Sống sót ở sân bay quốc tế Schiphol, Amsterdam, Hà Lan

Tình hình là tôi lại vừa quá cảnh lần thứ n ở sân bay quốc tế Schiphol các bạn ạ!

Chưa bao giờ vào tới trung tâm Amsterdam để khám phá nhưng sân bay quốc tế Schiphol thì tôi khá là nhẵn mặt, chí ít là tôi thấy vậy. Nhân dịp một lần nữa gặp lại “người quen” tôi sẽ review một chút về em “Chíp Hôi” này với các bạn nhé. Nhiều thứ hay ho để kể lắm phết!

Có thể bạn cũng đang muốn tìm kiếm thông tin về sân bay quốc tế Incheon, Seoul, Hàn Quốc 

https://hikerlust.com/lang-thang-khap-chon/song-sot-o-san-bay-quoc-te-incheon-seoul/

Nói sơ một chút về sân bay quốc tế Schiphol một chút trước khi đi vào chủ đề chính nhé cả nhà.

Schiphol nằm cách thủ đô Amsterdam của Hà Lan khoảng 9km về hướng tây nam, là sân bay bận rộn thứ ba ở Châu Âu, chỉ đứng sau sân bay Heathrow ở Anh và sân bay Charles de Gaulle ở Pháp thôi. Nhìn sơ trong năm 2016 thì đã có hơn 63 triệu lượt hành khách đến Schiphol, gần gấp đôi so với lượng khách của sân bay Tân Sơn Nhất (hơn 32 triệu), hơn gấp ba lần so với Nội Bài (20.5 triệu). Schiphol dĩ nhiên là tổng hành dinh của KLM, hãng hành không hoàng gia Hà Lan.

Cấu trúc sân bay thì Schiphol chỉ có một terminal chính, bao gồm cho cả các chuyến bay quốc tế và nội địa. Terminal được chia làm hai tầng, với tầng dưới là cho các chuyến bay đến, còn tầng trên là để bay đi. Do chỉ tới đây transit và bay đi nên tôi chỉ có thể chia sẻ về kinh nghiệm di chuyển ở tầng trên thôi. Cùng bắt đầu ngay nhé!

Để vào trong sân bay, bạn cần di chuyển qua khu hành lang rộng lớn này
Để vào trong sân bay, bạn cần di chuyển qua khu hành lang rộng lớn này

1. Hãy di chuyển thật thông minh ở sân bay quốc tế Schiphol

Sân bay quốc tế Schiphol thì to khỏi nói, dù đã đi qua đi lại mấy lần nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết thích thú. Ví dụ nhé, từ cổng máy bay xuống (khu C) tôi phải đi bộ khá xa để qua được khu vực bay tiếp theo (khu G). Có thể nói là phải đi miệt mài mòn mỏi (khoảng 20 phút) mới tới.

Tuy xa vậy nhưng được cái khá thoải mái và không lo bị lạc nhờ các bảng điện tử trong sân bay. Bạn sẽ biết mình đang đứng ở đâu, cần đi hướng nào và khoảng cách để tới được nơi mong muốn. Điều này khá là hữu ích vì bạn có thể phân chia thời gian hợp lí để tham quan và mua sắm mà không lo trễ giờ lên máy bay.

Một điểm là bạn cần chú ý chuyến bay của mình; bạn sẽ bay trong nội địa Châu Âu hay bay ra khỏi Châu Âu để kịp thời làm các thủ tục. Vì sao ư? Vì là sân bay khá đông nên đôi khi thời gian qua kiểm tra an ninh và kiểm soát biên giới rất lâu, nhất là đối với những ai rời khỏi Châu Âu. Do đó tốt nhất là bạn nên làm hết các thủ tục an ninh trước khi lượn quanh các cửa hàng miễn thuế ở đây.

Các cửa hàng trong sân bay
Các cửa hàng trong sân bay

2. Hãy nghỉ ngơi thật trọn vẹn tại sân bay quốc tế Schiphol

Cũng như các sân bay hiện đại khác, ở sân bay quốc tế Schiphol bạn có thể thoải mái truy cập Internet mà không bị giới hạn thời gian hay phải đăng ký phiền phức. Tiện đây nói luôn điểm trừ vô cùng ấm ức của tôi tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Thái – phải điền email mới cho dùng WiFi, hay sân bay Changi ở Singapore – phải dùng số điện thoại đăng ký.

Khu vực ghế ngồi hay nghỉ ngơi của Schiphol cũng rất thoải mái và tiện lợi với ổ cắm điện kế bên. Thành ra bạn tha hồ mua ly cà phê rồi ngồi lướt web chán chê chờ tới giờ lê lết tấm thân tàn lên máy bay thôi.

Ngoài ra trong sân bay cũng có đặt rải rác những cái ghế massage của Massage-O-Matic. Bạn sẽ được tận hưởng công nghệ đấm bóp tiên tiến nhất, ứng dụng cả trí tuệ nhân tạo và máy học đỉnh cao, đảm bảo đánh tan mọi lo lắng mỏi mệt chỉ trong 5 phút. Giá cả cho dịch vụ thư giãn 4.0 này chỉ có 2 euros thôi, bạn có thể trả bằng tiền xu hay bằng the Visa/Master tùy ý.

Bạn có thể nghỉ ngơi và sạc pin điện thoại, laptop tại các khu ghế nằm của sân bay Schiphol
Bạn có thể nghỉ ngơi và sạc pin điện thoại, laptop tại các khu ghế nằm của sân bay Schiphol

3. Hãy vui chơi và mua sắm thả ga tại sân bay quốc tế Schiphol 

Sau khi qua khỏi khu kiểm tra an ninh và biết đường đến cổng, bạn đã hoàn toàn rảnh rang để mua sắm. It’s shopping time!

Về mức độ đa dạng hàng hóa thì Schiphol không hề thua kém bất cứ sân bay ăn chơi đắt đỏ nào. Ở đây, bạn có thể tìm thấy hầu như tất cả các mặt hàng từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, kính mát, đồ điện tử của các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp, tha hồ cho bạn vung tiền.

Phần này tôi không nói nhiều vì căn bản mình mang ít tiền. Nếu bạn cũng như tôi thì có thể ghé thăm các cửa hàng bán hoa (có cả hoa giả và thật) để mua tặng người thân hay bạn bè. Bên cạnh đó, cũng có những cửa hàng bán đồ với giá khá vừa tầm như Rituals, chuyên bán các loại mỹ phẩm, vật phẩm làm đẹp và đồ nhà tắm với giá cả rất phải chăng mà nhìn sanh chảnh khủng khiếp. Bạn có thể tìm thấy các cửa hàng Rituals ở lounge 1 và 4, khu D và ở Holland Boulevard.

Các khu mua sắm quà lưu niệm trong sân bay Schiphol
Các khu mua sắm quà lưu niệm trong sân bay Schiphol
Hoa tulip là biểu tượng của Hà Lan nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng lưu niệm bán "loại hoa" này
Hoa tulip là biểu tượng của Hà Lan nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng lưu niệm bán “loại hoa” này

Nếu không hứng thú mua sắm thì bạn có thể ghé thăm khu Holland Boulevard, ở giữa lounge 2 và 3. Tại đây bạn sẽ tìm thấy bảo tàng mini Rijksmuseum – khu trưng bày một phần nhỏ của bảo tàng quốc gia Rijksmuseum, chuyên về nghệ thuật và lịch sử của Amsterdam. Mục tiêu của bảo tàng mini này dĩ nhiên là để mời gọi bạn đến thăm bảo tàng thật ở trong trung tâm Amsterdam rồi. Mặc dù chỉ là một phần nhưng không gian trưng bày và cách thiết kế rất thú vị. Sau khi ghé qua bảo tàng thì bạn cũng đừng quên vào thăm cửa hàng bán đồ lưu niệm ở cạnh bên nhé. Nếu không mua thì thì nhìn cũng được vì hàng hóa ở đây rất sặc sỡ và bắt mắt.

Nếu bạn di chuyển cùng với trẻ nhỏ, chắc hẳn các bé sẽ rất thích khu Nemo, nằm phía sau bảo tàng mini Rijksmuseum. Tại đây trưng bày những khá nhiều thí nghiệm khoa học thú vị, chẳng hạn như con lắc dao động vĩnh cửu hay quả cầu plasma. Bảo đảm bọn trẻ (hay bọn già tâm hồn thơ trẻ) sẽ thích mê tơi. Tại sân bay cũng có một thư viện mini mà theo tôi đáng để ghé qua. Thư viện này nằm gần khu Nemo.

 

Sân bay quốc tế Schiphol

Sau khi ngắm nhìn chán chê thì khả năng bạn bị đói là rất cao. Ở Schiphol có đủ các nhà hàng với nhiều phong cách ẩm thực khác nhau, từ u sang Á mà với châu Âu nhiều hơn vì…lý do thì bạn biết rồi đấy. Giá cả nói chung cũng vừa phải, không quá mắc nhưng cũng không rẻ. Ngoài những nhà hàng thì Schiphol cũng có những quán cafe nhỏ xinh, phục vụ đồ uống và các món ăn nhẹ. Giá cả ở đây tương đối rẻ, khoảng từ 3 – 5 euros. Tôi không cần nhắc đến Starbucks vì ở đây đầy và thường rồi.

Nếu muốn vừa tiết kiệm vừa no bạn có thể tìm đến McDonald’s hay Burger King. Để đến những chỗ này thì bạn cần đến Lounge 2, ngay ở khu gần Amsterdam Bread Company và Fine Chocolates. Nhìn quanh bạn sẽ thấy một cầu thang dẫn lên tầng cao nhất (top lounge) và voilà. Tôi đặc biệt thích khu này vì bạn có thể vừa ăn, vừa sạc điện thoại, vừa nhìn máy bay lên xuống. Mà có thể ngồi bao lâu tùy thích. Hơn nữa đừng quên ghé qua WC ở tầng này. Có một điều thú vị đang chờ đón bạn, còn là gì thì tôi để bạn tự khám phá (yên tâm là không có gì tiêu cực đâu).

Untitled-5

4. Và 1001 điều cần lưu ý khi tới sân bay quốc tế Schiphol 

Bạn nên download Schiphol app để có được cập nhật mới nhất về chuyến bay của mình, cũng như hướng dẫn di chuyển trong sân bay. App này có cả hai phiên bản cho iOS và Android: https://www.schiphol.nl/en/download-the-schiphol-app.

Bên trong sân bay có những vòi nước công cộng. Do đó kinh nghiệm là, không chỉ dành cho Schiphol mà khi di chuyển nói chung, luôn có một chai nhựa rỗng để đựng nước.

Nếu bạn muốn gửi postcard thì ở sân bay có hai thùng thư, một cái ở lounge 2 gần cổng D và một cái ở lounge 3 gần cổng G-H. Cách nhanh nhất là khi mua postcard bạn hỏi người bán đường đến thùng thư, có khi người ta sẽ nhận gửi cho bạn luôn. Trong sân bay cũng có một số cửa hàng sách. Dĩ nhiên là giá mắc hơn ở ngoài hay mua trên mạng rồi nhưng nếu thích bạn có thể xem qua. Có khá nhiều sách và tạp chí tiếng Anh được bày bán ở đây.

Hi vọng chuyến đi của bạn tới Schiphol suôn sẻ! Và đừng quên đón đọc cái kì “Sống sót tại sân bay” của Hikerlust nhé!

Nhân tiện nếu bạn tò mò về sân bay quốc tế Kuala Lumpur thì bạn có thể tìm thấy ngay ở đây!

https://hikerlust.com/lang-thang-khap-chon/song-sot-o-san-bay-quoc-te-kuala-lumpur-klia-malaysia/

Close
Bài viết mới nhất
Latest Travel Blog
Close

Hikerlust

Đi để muốn được về nhà

Close