Nhà Na có 2 người cao huyết áp/tăng huyết áp, bà nội và bà ngoại Koi. Nếu như bà nội bị lâu năm và đã tạm có thuốc ổn định huyết áp thì bà ngoại mới bị gần đây. Bệnh của bà ngoại tới bất chợt (chảy máu mắt, lòng trắng đỏ ngầu) khiến cả nhà Na tái mét, cầu cứu ngay bác Thắng ngay trong đêm. May mà bác bốc máy chứ chạy viện cấp giữa mùa covid cũng rén.
Sau vụ đấy, Na nhờ bác cấp tốc hướng dẫn các thông tin liên quan để xử lý khi cần. Trộm vía, hiện tại bệnh của cả 2 bà đều tạm ổn.
Nhìn chung, cao huyết áp không phải câu chuyện của riêng ai, bấy cứ ai (già hay trẻ) đều có nguy cơ mắc bệnh này á mọi người. Theo thống kê tăng huyết áp là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong cộng đồng. Tại Việt Nam, cứ 100 người trưởng thành trên 25 tuổi thì lại có 25 người mắc tăng huyết áp.
Vậy thì nên làm gì để nhận biết, xử lý, phòng tránh ha?
Bài viết liên quan:
1. Tần suất theo dõi huyết áp
- Đối với người trẻ tuổi hoặc người lớn tuổi không có dấu hiệu mệt mỏi hay bệnh lý nền, tốt nhất nên kiểm tra huyết áp hàng năm để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
- Những người mới phát hiện tăng huyết áp nên theo dõi hàng ngày, ít nhất 2 lần/ ngày bằng huyết áp kế điện tử. Hoặc ngay khi có các dấu hiệu của tăng huyết áp như: đỏ bừng mặt, đau đầu, choáng váng, bồn chồn hoặc đau tức ngực.
- Những người bị cao huyết áp lâu năm, nhưng chủ số đã ổn định thì có thể đo hàng ngày hoặc vài ngày một lần.
2. Cách đo huyết áp chuẩn với huyết áp kế điện tử
- Người bệnh được nghỉ ngơi 15-30 phút, hoàn toàn thoải mái, thư giãn, tránh sử dụng các đồ uống có cồn, chất kích thích trong vòng trước đó 2 giờ. Có thể đo huyết áp ở tư thế ngồi hoặc nằm.
- Quấn bao huyết áp quanh cánh tay, trên nếp khuỷu tay 2cm, vị trí cánh tay đặt ngang với tim, cẳng tay duỗi thẳng tự nhiên.
- Chỉ số huyết áp được coi là tăng/cao khi vượt quá 140 đối với huyết áp tâm thu (chỉ số lớn hơn), và > 90 đối với huyết áp tâm trương (chỉ số nhỏ hơn).
NOTE: Đối với những người thuộc nhóm cao tuổi, nhiều bệnh lý nền và đã mắc bệnh tăng huyết áp lâu năm, trị số huyết áp cần duy trì có thể cao hơn một chút để nằm trong ngưỡng dễ chịu. Tùy từng trường hợp cụ thể nên đi khám để bác sĩ tư vấn rõ hơn.
3. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người huyết áp cao
- Tập thể dục: Các hội về tim mạch khuyến cáo người mắc bệnh tăng huyết áp, nên tập thể dục mỗi tuần ít nhất 150 phút ở cường độ trung bình (ví dụ đi bộ, đạp xe, bơi lội) hoặc 75 phút ở cường độ cao (ví dụ chạy, đá bóng) hoặc tập thể dục với tần suất 5 ngày/ tuần (mỗi lần 15p hoặc 30p tuỳ vào cường độ). Ngoài ra, các bài thể dục giúp giảm căng thẳng như thiền, yoga cũng được khuyến khích.
- Giữ bản thân không stress: Với nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, tất bật như hiện nay, các yếu tố stress từ môi trường, công việc ảnh hưởng tương đối lớn đến hiệu quả điều trị huyết áp. Cố gắng giữ bản thân trong trạng thái cân bằng giữa thể chất và tinh thần là vô cùng quan trọng.
- Chế độ ăn: Ngoài việc giảm đường, tăng rau xanh, hoa quả như hầu hết các bệnh lý chuyển hóa khác, có 2 yếu tố được đặc biệt quan tâm hơn trong bệnh lý tăng huyết áp:
- Giảm lượng muối dung nạp hàng ngày: người tăng huyết áp chỉ nên dùng 1 thìa cà phê muối ~ khoảng 5 gam muối mỗi ngày, người bình thường thì không nên dùng quá 2 thìa. Người cao huyết áp có thể áp dụng chế độ ăn DASH, với khẩu phần chứa nhiều loại hạt, thực vật, giàu chất xơ, kali, protein, ít muối natri.
- Giảm lượng cồn, chất kích thích (rượu bia, thuốc lá,…) Các chất này đều ảnh hưởng đến mạch máu, nhịp tim, gây ra tình trạng tăng huyết áp nhất thời ngay sau khi sử dụng. 2 đơn vị đồ uống có cồn mỗi ngày là đủ đối với bệnh nhân tăng huyết áp, nó tương đương 1 lon bia, hoặc 1 ly rượu mạnh 10ml.
4. Nguồn đọc thêm về cao huyết áp
- Cách đo huyết áp đúng: https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/cach-do-huyet-ap-dung-2151dbf63ba4876ed9e442180a2bc5e2.html
- DASH diet: https://www.nhlbi.nih.gov/education/dash-eating-plan
P/s: Chủ đề tuần sau: 1001 câu hỏi về bệnh dạ dày
——
Nếu bạn chưa biết: Bác Thắng là ai?
Bác Thắng là bác sĩ gia đình của Na từ ngày về Việt Nam (cũng ngót nghét 6 năm). Mọi vấn đề như kiểm tra sức khoẻ định kì, theo dõi điều trị hay thăm khám, bắt bệnh online của nhà Na đều qua tay bác. Mọi đơn thuốc của gia đình đều được bác nghía qua để đảm bảo không lạm dụng (quan điểm của Na: nếu không cần sẽ không uống thuốc).
Nếu mọi người có nhu cầu tư vấn hay book bác sĩ gia đình thì highly recomend bác. Bác rất tận tâm, giải thích cặn kẽ, quan trọng là không lạm dụng thuốc đâu nè. Bạn có thể liên hệ bác Thắng qua Facebook Nguyễn Văn Thắng nha!