KINH NGHIỆM KHÁM PHÁ MYANMAR 7 NGÀY 6 ĐÊM – 5.2019

Myanmar là đất nước tôi muốn đi từ lâu. Phần vì mê mẩn nét trầm mặc cổ kính của đất nước này, phần vì muốn xoá bỏ lời nguyền vô duyên với Myanmar. Tôi từng 3 lần đi hụt Myanmar dù đã lên kế hoạch chi tiết tới tận răng. Hành trình Myanmar mới đây nhất của bạn tôi cũng khiến tôi cảm thấy ghen tị vô cùng.

Và lần này, nhân dịp nghỉ lễ tôi vác ba lô lên đường khám phá xứ sở chùa vàng. Hành trình 6 ngày khám phá Myanmar gọi là tạm đủ với tôi để nguôi ngoai phần nào mong ước suốt 3 năm nay. 6 ngày, nói ít cũng không ít, nói nhiều cũng không nhiều nhưng đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp.

Trong 6 ngày tôi di chuyển tới 3 thành phố Yangon – Bagan – Mandalay, thực tình có hơi gấp gáp và mệt mỏi một chút nhưng đất nước, con người và khung cảnh của Myanmar đã xoá hết tất cả.

1. Hướng dẫn cách di chuyển Hồ Chí Minh – Yangon – Bagan – Mandalay

  • Hồ Chí Minh – Yangon:

Tôi mua vé 2 chiều HCM – Yangon trước 2 tháng với giá khoảng 5,300,000 VND / 2 chiều của Vietnam Airline. Thực lòng giá này quá chát nhưng vì muốn tới Myanmar nên tôi quyết định mua. Nhớ ngày xưa mua vé 2 chiều chỉ 2,000,000 VND mà không thể đi được. Nếu bạn di chuyển từ Hà Nội thì vé sẽ rẻ hơn, khoảng 2,600,000 VND / 2 chiều.

🍊 Chia sẻ: Tôi thường mua vé tại Timvere.vn. Do đã mua bên này khá nhiều lần nên cũng tin tưởng, check vé khá nhanh và hỗ trợ tốt. Ban đầu, cũng nhờ cô bé booker bên này mà tôi mua được vé 5,300,000 VND cho dịp lễ này.

Tôi đáp xuống sân bay Yangon lúc 11h trưa. Cái nắng cuối tháng 4 đầu tháng 5 của Yangon khiến người ta cảm thấy bức bối. Thật ra những ngày vừa rồi Sài Gòn cũng nực không kém nhưng vẫn chẳng thấm tháp là bao so với Myanmar thì phải. Nhưng thôi kệ, tôi nghĩ, đằng nào mình cũng đang đi bụi cơ mà. Dẫu nắng một chút nhưng cuối cùng đã có thể trải nghiệm Myanmar sau bao lần thất hẹn.

Sân bay Yangon khá hiện đại và rộng lớn với 3 Terminal dành cho bay quốc tế và bay nội địa tuy nhiên các cửa hàng miễn thuế ở đây chưa nhiều và đa dạng cho lắm. Rượu và thuốc lá có lẽ là hai mặt hàng chính mà tôi thấy bày bán đầy rẫy tại đây. Cũng phải, Myanmar mới mở cửa được vài năm những mặt hàng đánh thuế cao như vậy chắc hẳn cũng khó được phổ biến.

Sau khi lấy hành lý kí gửi, tôi nhanh chóng “làm thủ tục” cần thiết để chuẩn bị cho 6 ngày tiếp theo:

  • Mua sim 3G:
    • Bình thường bạn có thể mua sim ngay tại sân bay nhưng tôi không muốn mất quá nhiều thời gian cho việc này nên đã quyết định mua sim trước tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm du lịch của tôi việc này khá hợp lí, tiết kiệm thời gian di chuyển và tìm hiểu.
    • Tôi thường mua sim tại Travelkit – Sim, bảo hiểm du lịch vì giao hàng nhanh, tốc độ 3G ổn định.
  • Đổi tiền:
    • Tiền Myanmar có thể đổi tại Việt Nam nhưng hơi khó tìm và tỉ giá không tốt nên tôi quyết định đổi tại sân bay.
    • Tỉ giá thời điểm tôi đổi là 1000 Kyat = 0,66 USD. Tôi đổi từ USD sang Kyat cho tiện.
    • Hãy chắc chắn tờ tiền của bạn phẳng phiu và nhìn mới nha, nếu tờ tiền bị cũ là không đổi được đâu.
  • Di chuyển về Hostel:
    • Có khá nhiều lựa chọn để về trung tâm: Bus, Grab, Taxi
    • Hệ thống bus của Yangon khá thuận tiện với nhiều trạm dừng khác nhau và bạn hoàn toàn có thể sử dụng bus để di chuyển, giá khoảng 500 Kyat / lượt. Bus chạy 24h.
    • Tuy nhiên sau một chặng bay cùng với một đêm thức khuya tôi lười biếng chọn grab với giá 8000 Kyat / lượt. Nếu muốn có điều hoà bạn sẽ cần trả thêm tiền cho người lái xe.
    • Taxi cũng có gía tương đương nhưng bạn cần phải mặc cả nha.

Chi tiết về thông tin di chuyển ở sân bay Yangon:

https://hikerlust.com/song-sot-o-san-bay-quoc-te-yangon-myanmar-moi-nhat-2019

  • Yangon – Bagan

Từ Yangon tới Bagan tôi mua vé online của hãng JJ Express với giá 22.5 USD / chiều – gía này đắt nhất trong các hãng đi giữa Yangon – Bagan. Thật ra có khá nhiều hãng xe khác nhau để tới Bagan nhưng theo tôi JJ Express là lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất để đi lại trong Myanmar. Vì đường xá Myanmar tưởng chừng bằng phẳng nhưng không hề đâu, nên lựa chọn 1 chiếc xe thoáng và đầy đủ sẽ giúp chuyến đi của bạn thuận lợi hơn; đặc biệt là những bạn đi xe đêm, cần ngủ.

Xe của hãng là loại xe ghế nằm, có điều hoà và chăn đắp; xe khá sạch sẽ và sẽ dừng lại 3,4 trạm để bạn nghỉ ngơi ăn uống. Nếu bạn đi buổi tối sẽ khá lạnh vì vậy nên phòng thủ thêm áo bên cạnh chăn có sẵn trên xe.

Vì đi chuyến xe đêm nên tôi tới Bagan khá sớm (5h sáng). Tại đây có nhiều xe taxi chờ sẵn để đưa bạn đi ngắm mặt trời mọc ở Old Bagan. Bạn có thể trả giá phù hợp nha, tốt nhất là nên thuê một chiếc xe to và rủ ai đó chia sẻ chi phí.

🍊 Chia sẻ: Mua vé JJ Express online. Nếu bạn không đi JJ Epxress thì có thể mua các hãng khác. Theo chia sẻ của người bạn bản địa, tôi không cần phải mua vé trước làm gì vì luôn có sẵn vé tại bến xe. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn nên mua vé trước phòng trường hợp đợt cao điểm cháy vé thì khỏi về.

Bến xe bus khá xa trung tâm Yangon (khoảng 30-40km), gần sân bay vì vậy bạn cần kiểm tra thời gian để đảm bảo không bị trễ chuyến xe.

Bạn cần ra bến xe ít nhất 30 phút để check-in nếu không sẽ bị lỡ chuyến nha. JJ Express không đón bạn tại khách sạn đâu nha.

  • Bagan – Mandalay 

Quãng đường Bagan – Mandalay cũng khá gần (4-5h di chuyển) nên xe cũng khá nhỏ. Đây cũng là một điểm lợi vì xe sẽ tới tận khách sạn đón bạn, bạn chỉ cần nhờ chủ khách sạn gọi điện đặt xe tới đón là được. Vé tôi mua là 9 usd / chiều.

Xe này là loại xe van nhỏ khoảng 12 – 15 chỗ. Xe khá sạch sẽ, phục vụ đồ ăn nhẹ cho khách như bánh, snack, trà, cafe – như chang như phục vụ trên máy bay nha.

🍊 Chia sẻ: Mua vé BNF Express online. 

  • Mandalay – Yangon

Vì quãng đường Mandalay – Yangon khá xa (10h di chuyển) nên tôi tiếp tục mua vé của JJ Express cho tiện. Thông tin tương tự quãng đường Yangon – Bagan nha.

2. Lịch trình thăm quan tại Yangon – Bagan – Mandalay trong 6 ngày

  • Yangon

Thường thì Yangon chỉ được du khách chọn là điểm trung chuyển cho Bagan, Mandalay, Inle nhưng tôi vẫn quyết định dành 1.5 ngày để khám phá thành phố này. Cho tới ngày cuối cùng của chuyến đi, tôi vẫn luôn tin quyết định này của mình là chính xác.

Vì Yangon cấm xe máy nên để đi lại trong Yangon bạn có 3 phương án là Bus, Taxi và Grab. Các địa điểm thăm quan khá xa nhau và thời tiết cũng khá nóng nên tôi quyết định đặt Grab để di chuyển. Tôi đặt 1 anh Grab, sau đó deal để anh chở đi 1 vòng Yangon cũng như chở tới bến xe vào cuối ngày. Tổng chi phí là 8,000 Kyat cho 5 điểm thăm quan, mỗi điểm thăm quan khoảng 1h.

🍊 Chia sẻ: Địa điểm & Lịch trình khám phá Yangon 1.5 ngày 

  • Bagan

Bagan là một trong những must-see-destination của Myanmar. Bất cứ ai tới Myanmar khám phá đều muốn dành đôi ba ngày để trải nghiệm cuộc sống, văn hoá và con người nơi đây. Tôi dĩ nhiên cũng không phải ngoại lệ. Tôi dành trọn vẹn 2 ngày để khám phá thành phố cổ kính nghìn năm này.

Bagan chia làm 3 khu vực là Old Bagan, New Bagan và Nyaung U. Tôi chọn ở Nyaung U vì thị trấn này sầm uất nhất, đặc biệt là về đêm, dù thực tế tôi không thể mua được gì vì hàng quán đóng cửa khá sớm.

Bagan tiện hơn Yangon khi cho phép du khách thuê xe đạp điện để thăm thú xung quanh. Bên cạnh đó taxi cũng là một lựa chọn phù hợp khi di chuyển ở Bagan. Tuy nhiên bus hay Grab ở Bagan lại là câu chuyện hoàn toàn khác bạn hầu như không tìm thấy những dịch vụ này.

Dưới cái nắng cháy da của Myanmar nói chung hay Bagan nói riêng, tôi chọn cách thuê taxi để di chuyển giữa các khu vực thăm quan. Với tôi, đây là một lựa chọn hợp lí vì có thể tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc di chuyển cũng như tránh bớt được sức nóng. Chi phí để thuê 1 chiếc xe taxi 7-10 chỗ / ngày khoảng 60,000 Kyat. Phương án này phù hợp với những ai đi theo nhóm. Nếu bạn không đi nhóm thì có thể tìm nhóm để đi cùng như tôi nhé.

🍊 Chia sẻ: Nhóm tìm bạn đồng hành du lịch

Bagan có nhiều nơi để thăm quan (hơn 4000 chùa chiền cơ mà) nên tôi dành khá chọn vẹn 2 ngày để khám phá từng ngóc ngách của thành phố.

🍊 Chia sẻ: Địa điểm & Lịch trình khám phá Bagan 3 ngày 

Ngoài những địa điểm thường xuyên có khách thăm quan, tôi quyết định dành nửa ngày để tới Mount Popa – ngọn núi hành hương nổi tiếng cách Bagan khoảng 50km. Suốt dọc đường đi tôi chứng kiến cảnh tượng có 1-0-2: Những người ăn xin nối dài hai bên đường. Người ta đứng đó để “làm việc” để chờ đợi những chuyến xe để tìm kiếm chút cứu giúp qua ngày. Tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh đoàn người bu lại tranh giành nhau tiền khất thực.

Cũng khó để nói hết cảm xúc lúc bấy giờ, chỉ biết rằng lòng tôi cảm thấy kì lạ, phân vân, chống chếnh – những cảm xúc không tên khó gọi thành lời. Đồng ý rằng ở đâu cũng có những người nghèo khó nhưng cảnh tượng này quả để lại nhiều suy nghĩ.

  • Mandalay 

Trái với Yangon và Bagan, Mandalay chào đón tôi bằng tiết trời hơi se lạnh. Có lẽ những ngày mưa liên tiếp đã phần nào xoá bớt không khí oi nồng nơi đây. Thành phố này khá giống Hà Nội, nhẹ nhàng thanh bình và cũng không kém phần phát triển.

Chuyện thuê xe máy ở Mandalay khá dễ dàng. Tôi thuê được 1 chiếc xe cub cũ và cùng “ẻm” vi vu Mandalay suốt 2 ngày trời.

🍊 Chia sẻ: Địa điểm & Lịch trình khám phá Bagan 3 ngày 

3. Những lưu ý khi du lịch Myanmar

  • Đi chân đất vào chùa:

Myanmar là đất nước chùa tháp theo nhánh tiểu thừa, người dân và “phật” có mối quan hệ gắn bó, thiên thiết cũng như thành kính nhất định. Có lẽ vậy mà khi ghé thăm đền chùa người dân luôn cởi bỏ dép tại cửa. Tất nhiên tôi hay bạn cũng không phải ngoại lệ. Và với tần suất hơn 4000 ngôi chùa cần ghé thăm thì bạn nên sắm ngay 1 đôi dép để tiện bề đi lại thay vì xỏ giầy.

  • Chùa là nơi “nghỉ ngơi”:

Không giống Thái Lan, Việt Nam hay Trung Quốc, chùa chiền hay đền miếu khá gần gũi với người dân Myanmar. Thế nên khi vào chùa họ diện trang phục khá thoải mái (Tất nhiên không quá hở). Họ coi chùa, miếu như 1 nơi “thăm quan” để cùng vui chơi, giải trí và hướng Phật.

  • Thời tiết thất thường:

Thời tiết Myanmar khá thất thường, nóng lạnh và mưa đột ngột; nhất là vào tháng 5 như tôi đi. Vì vậy bạn cần mang quần áo để đảm bảo sức khoẻ

  • Kem chống nắng đặc biệt của Myanmar:

Ở Myanmar có một loại “kem dưỡng da” mang tên Thanaka – kem được làm từ vỏ loại cây cùng tên. Người dân Myanmar từ già trẻ gái trai đều sử dụng loại kem này để làm đẹp, để tránh nắng. Thực tế thì loại kem này không có tác dụng chống nắng cho lắm (cô bạn người Myanmar nói với tôi như vậy). Tuy nhiên chức năng dưỡng ẩm da, ngăn ngừa mụn và bã dầu lại khá hiệu quả.

Bạn có thể bắt gặp nhiều người dân Myanmar bôi một thứ dung dịch màu trắng lên má và trán, đây chính là Thanaka nha. Đối với trẻ em Thanaka sẽ được trang trí đẹp mắt hơn, có nhiều hoạ tiết hơn còn người lớn đơn thuần chỉ là 1 nét quệt ngang má. Thanaka được bày bán ở nhiều nơi nhưng bạn nên tìm tới cửa hàng uy tín để tránh mua phải loại hàng kém chất lượng nha.

  • Đường di chuyển rất tệ:

Dù đường ở Myanmar được trải bê tông khá thẳng thớm nhưng thực tế lại vô cùng sóc. Bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần không thể nào ngủ trên xe nếu đi qua đêm hoặc đi ban ngày. Máy bay có thể là một lựa chọn tạm ổn nhưng khá tốn kém.

  • Đồ ăn Myanmar cay và mặn:

Đồ ăn Myanmar khá cay và mặn, thực tình là không thua kém đồ ăn Thái Lan chút nào. Đây là kinh nghiệm xương máu của tôi ngày đầu tới Yangon. Vì vậy những ngày sau đó tôi tìm tới những quán ăn dành cho khách du lịch. Đồ ăn ở đây sẽ dễ ăn hơn và đảm bảo hơn.

  • Nhất định phải thử trà sữa nóng Myanmar: 

Một điều tôi vô cùng tò mò xen lẫn thích thú là: Dân Myanmar uống trà sữa nóng vào những ngày nóng đổ lửa. Trà sữa khá ngon, đậm đà và rất dễ gây nghiện. Bạn phải ngồi uống trà sữa tại một quán ven đường giữa ngày trời nóng mới đúng bài.

Giá một ly trà sữa khá rẻ, khoảng 300 kyat.

Close
Bài viết mới nhất
Latest Travel Blog
Close

Hikerlust

Đi để muốn được về nhà

Close