Kể từ khi bộ y tế ra công văn phê duyệt “bà bầu có thể tiêm vaccine covid-19”, mẹ nào cũng muốn đi tiêm ngay và luôn để có kháng thể cho em bé. Tất nhiên, mẹ Na cũng không nằm ngoài đám đông. Tưởng chừng, chuyện bà bầu đi tiêm vaccine chắc sẽ đơn giản, không mấy khó khăn. Nhưng không, đời không như mơ vì đời rất là chua. Dù đã cố gắng đăng ký 5 lần 7 lượt ở các địa điểm, bệnh viện khác nhau nhưng mẹ Na vẫn chưa thể “xí” một xuất tiêm.
May thay, có bà bạn mới sinh mách nhỏ: “Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM đang thực hiện tiêm vaccine covid-19 cho bà bầu. Các mẹ dưới 35 tuần thai/không có bệnh nền sẽ được tiêm vaccine AstraZeneca, trên 35 tuần hoặc có bệnh nền hoặc mới sinh bé sẽ được tiêm vaccine Pfizer”. Cơ hội tốt thì không thể bỏ lỡ, mẹ Na xách mông đăng ký ngay và luôn!
Và đây là trải nghiệm đi tiêm vaccine AstraZeneca của Na nha các mẹ. Đầy đủ trước, trong và sau tiêm để tránh bị vật 😀
Nếu mẹ chưa mua sắm đồ thì tìm hiểu ngay các sản phẩm dành cho mẹ và bé tại mục “Mẹ Na Tin Dùng“
1. Trước khi đi tiêm vaccine covid-19
Để được tiêm tại bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, các mẹ cần đặt lịch hẹn trước với các bước như sau:
- B1: Tải app UMC-Datkham – app đặt lịch hẹn của bệnh viện Đại học Y Dược.
- Apple Store (dành cho mẹ dùng iOS)
- Google Store (dành cho mẹ dùng Android)
- B2: Chọn ngày và đặt lịch khám mong muốn
- B3: Thanh toán chi phí (150,000 VND/lần khám, chưa bao gồm chi phí thẻ…)
- B4: Tới bệnh viện sớm 1 buổi so với lịch khám để xét nghiệm nhanh covid-19; chi phí 238,000 VND/lần xét nghiệm. Na đặt lịch khám vào đầu giờ chiều nên buổi sáng tranh thủ đi xét nghiệm covid trước. Bà bầu sẽ được xét nghiệm ở khu A, Khoa Sản ở 215 Hồng Bàng, P11. Q5; đây cũng là khu sẽ khám bầu nha.
- B5: Về nhà và chờ kết quả xét nghiệm nhanh gửi qua SMS
- B6: Mang theo hồ sơ khám bầu (bao gồm tất cả các xét nghiệm từ đầu thai kì) để bác sĩ khám và đánh giá vào buổi chiều
Review nhẹ: Mẹ Na khá thích cách làm việc này của bệnh viện; nhanh gọn lẹ dễ dàng. Như vậy, mẹ bầu gần như không phải chen lấn xô đẩy hay chờ mòn mỏi để được tiêm – việc nên hạn chế tối đa trong thời điểm dịch dã nhạy cảm này. Thay vào đó, thời gian và công việc được chủ động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình thăm khám tại bệnh viện.
2. Trong khi đi tiêm vaccine covid-19
Sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh covid-19, mẹ bầu có thể tới thẳng khoa Sản khám theo lịch đã hẹn. Mẹ bầu sẽ cần thực hiện những bước sau để khám và tiêm nhanh gọn lẹ:
- B1: Tới phòng chờ khám, nộp hồ sơ khám bầu cho điều dưỡng, đo huyết áp, nồng độ Spo2 và nhận chỉ định đi siêu âm
- B2: Đi nộp tiền siêu âm và tới phòng siêu âm
- B3: Lấy kết quả siêu âm và quay lại phòng khám để bác sĩ đánh giá. Mẹ nhớ chia sẻ hết các thông tin thai kì, các bệnh lý (nếu có) cho bác sĩ
- B4: Viết hồ sơ tiêm chủng theo hướng dẫn của điều dưỡng
- B5: Đi theo điều dưỡng đi tới phòng chỉ định loại vaccine sẽ tiêm
- B6: Đi theo điều dưỡng tới phòng tiêm
- B7: Chờ 30 phút ở khu vực chờ. Các mẹ sẽ cần ngồi chờ khoảng 30 phút để chắc chắn không có phản ứng phụ/sốc phản vệ sau khi tiêm.
- B8: Đo huyết áp và nồng độ Spo2 sau tiêm
- B9: Khám lại với bác sĩ trước khi ra về
- B10: Chờ giấy xác nhận tiêm và hướng dẫn sau tiêm gửi qua SMS. Các giấy tờ tiêm của mẹ sẽ được bệnh viện giữ lại, sau đó sẽ gửi giấy xác nhận online thông qua SMS.
Review nhẹ:
- Do thai kì khá ổn định và không có bệnh lý nên bác sĩ đã chỉ định Na tiêm vaccine AstraZeneca. Thật tình, Na tiếc hùi hụi khi không được tiêm Pfizer hay Moderna vì 2 loại này có ít tác dụng phụ hơn, phù hợp với thể trạng cứ gặp thuốc là lăn quay như Na.
- Tổng thời gian chờ, khám, tiêm, chờ sau tiêm của mẹ Na khoảng 3 tiếng. Na nghĩ rằng thời gian này tương đối phù hợp.
- Bệnh viện không quá đông vì bệnh nhân phải đặt lịch trước mới được khám. Thành thực, mẹ Na thấy an tâm hơn nhiều so với buổi dong ruổi tại bệnh viện Hùng Vương.
- Bệnh viện khá an toàn do không nhận ca dương tính. Nếu xét nghiệm nhanh ra dương tính sẽ chuyển thẳng sang bệnh viện Hùng Vương.
- Thông tin nhanh gọn, được điện tử hoá tốt. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ không hẹn cụ thể thời gian tiêm mũi 2 cho các mẹ bầu hoặc mẹ mới sinh mà gửi thông báo qua SMS. Là một người hay làm mất giấy tờ, Mẹ Na khá thích việc “điện tử hoá – online hoá” như thế này của bệnh viện.
3. Sau khi đi tiêm vaccine covid-19
Thông thường, sau khi tiêm vaccine AstraZeneca người được tiêm, đặc biệt là mẹ bầu sẽ thấy khá khoẻ mạnh, không gặp bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên sau khoảng 8 tiếng, các triệu chứng như sốt trên 38 độ, đau đầu, mệt, nhức mỏi bắt đầu xuất hiện – triệu chứng y chang sốt cảm cúm. Thực tế, mẹ em bé Tép sốt hết 1 ngày 1 đêm, mệt phờ râu nhưng cuối cùng cũng khá êm đẹp.
Dù bác sĩ khuyên uống thuốc hạ sốt 4 tiếng/lần, 3 lần/ngày để hạ sốt nhưng mẹ Na cố gắng hạn chế, chỉ uống 1 viên duy nhất do sốt khá cao. Phần vì sợ ảnh hưởng em bé (lo lắng của mẹ bầu thôi, chứ uống theo liều lượng của bác sĩ ổn nha các mẹ) phần vì lâu nay luôn để cơ thể tự đề kháng. Vậy mẹ Na làm gì để vượt qua con trăng này?
- Giảm nhiệt độ cơ thể bằng cách lau người: Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết việc sốt là hạ sốt, vì vậy mẹ Na dùng khăn lau người liên tục, đặc biệt là các khu vực giữ nhiệt như nách, bẹn, khuỷ chân, trán.
- Bổ sung nước: Khi sốt cao cơ thể sẽ mất nước khá nhanh nên mẹ Na bổ sung bằng dung dịch ozerol, nước cam để làm giảm nhiệt độ cơ thể và bổ sung nước từ bên trong.
- Tăng sức đề kháng: Bổ sung vitamin tổng hợp, vitamin bầu. Trong quá trình khám, bác sĩ cũng hỏi và khuyên nên bổ sung vitamin để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể sau khi tiêm.
Hiện tại ngoài bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, các mẹ có thể tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine Pfizer ở các bệnh viện khác nữa nha. Đặc biệt, số lượng thuốc Pfizer về Việt Nam đã nhiều hơn nên cơ hội tiêm loại vaccine này khá cao. Nếu chưa biết địa chỉ cụ thể, các mẹ có thể tham khảo bài viết:”Bầu lười chăm con | Mẹ bầu có thể tiêm vaccine covid-19 ở đâu?“.