Vốn dĩ tôi muốn đi Côn Đảo từ lâu nhưng suốt 3 năm về Việt Nam chưa có duyên tới với hòn đảo này. Bẵng một thời gian, khi mọi mong muốn tưởng chừng chìm vào quên lãng bởi bận bịu bởi vô duyên, tôi lại nhận được lời mời tới thăm Côn Đảo của một người bạn.
Chuyến đi vô cùng chớp nhoáng nên tôi gần như chẳng chuẩn bị được gì nhiều. Tôi gần như không nghĩ gì nhiều, không chuẩn bị gì nhiều, chỉ tại duyên tới thì mình đi thôi không nghĩ nữa, cũng chẳng sắp xếp nữa kẻo lại lỡ như bao lần.
Ba ngày tại Công Đảo gói gọn bằng vài ba bộ quần áo lọt thỏm trong một chiếc ba lô ố màu, một chiếc vé tàu nhanh Vũng Tàu – Côn Đảo và một chuyến chạy xe xuyên đêm tới Vũng Tàu.
1. Những chuyến xe vội vã
Lời mời chớp nhoáng chiều thứ 6, quyết định vội vã chiều thứ 6 khiến mọi chuyến xe của tôi trở nên vội vã. Kế đó là cuộc rượt đuổi quên ngày tháng để nắm trong tay chiếc vé đi Côn Đảo sáng sớm hôm sau – chuyến tàu nhanh duy nhất trong ngày từ Vũng Tàu.
- Giá vé 660,000 VND / chiều. Thực tình giá vé có chút đắt đỏ nhưng so với vé máy bay (trung bình khoảng 3,000,000 VND / 2 chiều) và tàu chậm 12h thì tôi cũng không lấy làm tiếc cho lắm.
- Thông tin mua vé tại đây. Sau khi mua vé đặt cọc, bạn sẽ cần tới bến tàu để đổi sang vé giấy. Bạn cũng cần có mặt trước khi tàu chạy 30 phút.
Có chiếc vé trong tay, tôi vội vàng gom đồ và chạy xe trong đêm từ Sài Gòn tới Vũng Tàu. Chạy ban đêm cũng vui vì đường vắng, có thể chạy nhanh hơn, không khí trong lành, và không gian vô cùng yên tĩnh. Có điều bạn nên lái cứng một chút vì ban đêm nhiều người chạy ẩu vô cùng.
Thuê tạm một phòng nhỏ nghỉ qua đêm (giá khoảng 200,000 VND / đêm), tôi đặt lưng chờ đợi trời sáng. Dù những tháng ngày này vẫn đi nhiều, nhưng lâu lắm rồi mới có cảm giác háo hức tới vậy.
Với “kinh nghiệm” say các thể loại phương tiện trừ máy bay tôi không quên mua cho mình vỉ thuốc chống say xe. Sóng to cộng với sự chòng chành vô định khiến 5 tiếng di chuyển có chút mệt mỏi, cũng may là tôi đã uống thuốc từ trước.
2. Những ngày sống chậm
Cảm giác đầu tiên khi đặt chân tới Côn Đảo là an yên, bạn tôi bảo ở đây cái gì cũng nhẹ nhàng và thanh bình nên cứ chầm chậm mà sống. Có lẽ vậy mà tới cả sóng điện thoại cũng chầm chậm mà lên sóng, lúc được lúc không như muốn bảo:”Thôi nghỉ ngơi đi, mai tính”.
Đứng đợi xe tới đón tôi mới có dịp ngắm trọn không khí tấp nập ở bến cảng – một trong hai “cầu tàu” nối liền hòn đảo với thế giới ngoài kia. Người ra kẻ vào nhiều vô kể, trộm nghĩ không biết bao giờ Côn Đảo sẽ trở nên xô bồ như những chốn khác. Thoáng trộm nghĩ chút thôi vì xe đón về khách sạn cũng tới rồi.
- Tôi thuê khách sạn với giá khoảng 400,000 VND / đêm. Khách sạn vừa xây xong nên mới toe. Sau ba ngày tôi phát hiện rằng ở Côn Đảo cái gì cũng đắt, chắc tại xa quá mà lại lắm người tới quá nên phải đắt một chút thì mới được.
- Khách sạn cho thuê xe ga với giá 200,000 VND / ngày. Xe cũng mới toe luôn. Dân Côn Đảo giàu không để đâu cho hết.
Cất balo về phòng tôi thuê xe chạy lên đồi rồi men theo đường ven biển. Tôi vốn dĩ không thích biển lắm vì vị mặn mòi lúc nào cũng làm khô hết tóc tôi. Nhưng đây là ngoại lệ, Côn Đảo đẹp, thanh bình và dịu dàng đến lạ, nên cứ thế chạy xe và đắm chìm trong nét mặn mòi ấy.
Côn Đảo thật ra rất to trên bản đồ nhưng phần có thể đặt chân tới lại rất nhỏ. Một vòng chạy xe từ tàu cảng tới sân bay là đã hết Côn Đảo mất tiêu.
Thực tình ai cũng bảo ở Côn Đảo một hai ngày là nhiều lắm rồi bởi người ta tới đây chủ yếu để thăm mộ cô rồi về và cũng bởi nơi này nhỏ quá chẳng có gì chơi. Ấy vậy mà với tôi ba ngày vẫn là chưa đủ, đi và về trong sự thèm thuồng muốn nán lại lâu hơn. Thôi thì mỗi người mỗi khác, nhỉ!
3. “Xương xương” lịch trình 3 ngày 2 đêm
- N1: Vũng Tàu – Côn Đảo – Bến Đầm – Bãi Nhát – Bãi Lò Vôi
- N2: Nghĩa trang Hàng Dương – Nghĩa trang Hàng Keo – Nhà tù Côn Đảo – Cầu Tàu 914 – Mũi Cá Mập – Bãi Ông Đụng – Sân bay
- N3: Cafe – Cafe – Cafe – Bến Đầm – Vũng Tàu
Nghĩa trang Hàng Dương bây giờ không mở tới 3h sáng như ngày trước, chỉ có thể tới đây muộn nhất là 12h. Quay trở lại nghĩa trang hai lần vào hai khung giờ khác nhau mới thấy nơi đây quanh năm suốt tháng nghi ngút hương khói thế nào. Bất kể là ngày hay đêm, bất kể là nắng mưa gió bão người ta cùng với lòng thành kính cùng với mong muốn vẫn sẽ đến đây. Để cầu mong để yên lòng. Thôi bài khác sẽ nói nhiều hơn về câu chuyện tâm linh nơi đây.
Cafe ở Côn Đảo không có nhiều lắm đâu chỉ vài quán nhỏ nhỏ xinh xinh nhưng cũng đẹp và đáng ngồi lắm nha. Cái gì đắt chứ riêng cafe ở Côn Đảo thì không đắt, ngồi nhâm nhi ngắm phố phường cũng là một điều thú vị. Trong thoáng chốc tôi thấy mình như trở lại vài năm trước ngồi trong quán quen lọt thỏm trong hẻm nhỏ ngắm nhìn ồn ã của Hà thành.
Chia lịch trình cũng có phần hơi kì cục vì Côn Đảo một đường dài đi từ đầu tới cuối là hết, đi một ngày là hết. Nhưng sống chậm một chút sẽ thấy ba ngày chẳng đủ gì cả, vẫn còn vương vấn nhiều lắm.
4. Ăn gì ở đây nhỉ?
Ăn uống ở Côn Đảo là điều hơi mệt mỏi một chút vì thực tình đồ ăn không ngon và giá cũng đắt. Bản thân tôi là một đứa dễ ăn cũng thấy vậy.
Review chút vài quán ăn tôi đã ghé qua.
- Quán Tri Kỷ: Tôi ăn quán này ngày đầu tiên vì được chú tài xế giới thiệu. Chú bảo đây là một trong những quán ngon nhất đảo, ai tới cũng sẽ ghé qua nên tôi cũng ghé thử xem sao. Nhìn chung, đồ ăn nấu ở mức ổn, không dở nhưng cũng không gọi là xuất sắc. Giá từ 50,000 VND / món.
- Nhà hàng Thu Ba: Quán này khá okie, đồ ăn nấu cũng ổn. Giá từ 60,000 VND / món
- Bar 200: Nếu chán đồ Việt có thể ghé Bar 200, quán này chuyên các món Tây. Quán có cả homestay thì phải. Thực khách tới đây toàn nước ngoài. Giá từ 200,000 VND / món.
- Cafe Ba Lê: Quán được trang trí theo style ngày xưa, kiểu Cộng Cà Phê. Quán có không gian khá đẹp với bức tường vàng tha hồ sống ảo.
Đọc thêm bài khác về biển đảo nha: Kinh nghiệm du lịch Cô Tô 3N2Đ