SỐNG SÓT Ở SÂN BAY QUỐC TẾ YANGON, MYANMAR

Myanmar (Burma) là đất nước của hơn 4000 ngôi chùa vàng, của nền văn hoá đậm chất Phật giáo tiểu thừa (Phật giáo Nam Tông).

🍊Chú thích: “Phật giáo Nam Tông hay phật giáo tiểu thừa hay phật giáo nguyên thuỷ là dòng phật giáo gìn giữ gần như nguyên gốc những lời Phật dạy suốt 100 truyền bá của người” 

Với nhiều người, Myanmar là một đất nước nghèo nàn cũ kĩ. Điều này có lẽ cũng chẳng sai. Sự cổ hủ có phần lạc hậu trong tư tưởng, trong công cuộc phát triển suốt những năm đóng cửa thị trường đã khiến xứ sở này bị đóng mác “quê mùa. Thế nhưng, với tôi đó lại là điều thú vị. Nét cổ kính trầm mặc của những ngôi chùa tháp,  sự vẹn nguyên tinh khiết của nền phật giáo Nam tông thôi thúc tôi tới với đất nước này.

Sau nhiều do dự, sau nhiều bộn bề của công việc, tôi quyết định đặt vé để khám phá trọn vẹn đất nước này.

Để vào tới trung tâm thành phố thì cần vượt qua cửa ải sân bay quốc tế Yangon trước. Vậy nếu tới sân bay thì có thể làm gì để sống sót đây? Hãy cùng tôi “luyện” bí kíp “sống sót ở sân bay Yangon nha!

1. VÀI ĐIỀU CỰC KÌ CƠ BẢN VỀ SÂN BAY QUỐC TẾ YANGON

Sân bay quốc tế Yangon (YIA) là sân bay lớn nhất và bận rộn nhất của Myanmar; ước tính trong năm 2016, YIA đón khoảng 4.68 triệu lượt khách. Tất nhiên là số liệu này không là gì so với các sân bay lớn khác trong khu vực cũng như trên thế giới, nhưng với Yangon thì thực sự rất đáng nể.

Sân bay này có 3 terminals, Terminal 1 (T1) và Terminal 2 (T2) dành cho các chuyến bay quốc tế, còn Terminal 3 (T3) dành riêng cho các chuyến bay nội địa. Khi tới Yangon bạn hãy chú ý xem mình tới Terminal nào để tiện di chuyển vào trung tâm. Tôi bay Nok Air vì vậy tới Terminal 1; tương tự với hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airline.

Nếu phải so sánh tôi cho rằng Terminal 1 lớn hơn hẳn Ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng các cửa hàng lại ít phong phú hơn. Tuy vậy bạn cũng không cần quá lo lắng việc di chuyển trong sân bay và giữa các terminal vì khá dễ tìm.

Năm 2017 khi tới Myanmar, tôi cần điền thông tin nhập cảnh vào 2 tờ giấy. Tuy nhiên yêu cầu này đã thay đổi vào năm 2019. Trong chuyến đi gần nhất của mình vào tháng 3/2019, tôi không cần điền thông tin xuất nhập cảnh nữa mà chỉ cần trình hộ chiếu. Nhìn chung, thủ tục nhập cảnh khá nhanh gọn dễ dàng.

2. NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LÀM KHI Ở SÂN BAY QUỐC TẾ YANGON

Vài việc tôi cho rằng bạn nên làm ngay khi tới sân bay đó là đổi tiền, mua sim và tìm taxi về trung tâm.

  • ĐẦU TIÊN HÃY BÀN TỚI VIỆC ĐỔI TIỀN MYANMAR 

Bạn hoàn toàn có thể đổi tiền tại Việt Nam tại Hà Trung (dành cho ai ở Hà Nội) hoặc chợ Bến Thành (dành cho ai ở Sài Gòn). Tuy nhiên bạn cũng có thể đổi ngay tại sân bay. Đổi tiền ngay tại sân bay đôi khi bạn sẽ có tỉ giá tốt hơn. Bạn chỉ cần mang theo USD/EUR/SGD sang Myanmar và đổi sang tiền Kyat bản địa (đọc là “chát” hay “chạt”, kí hiệu MMK).

🍊Ghi chú: Đồng tiền USD/EUR/SGD chỉ được chấp nhận nếu còn mới và không bị gấp vì vậy hãy bảo quản tiền của bạn cẩn thận 1 chút.

Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên đổi tiền ở các quầy gần băng chuyền lấy hành lý kí gửi, trước khi đi qua hải quan để ra khỏi sân bay, vì tỉ giá ở các quầy này tốt nhất. Tùy thuộc vào loại tiền tệ bạn mang theo mà chọn quầy, vì có quầy mua EUR cao hơn những quầy khác, ví dụ vậy.

Thời điểm tôi đi thì tỉ giá 1 EUR ~ 1600 Kyat, 1 USD ~ 1351 Kyat, và 1000 Kyat ~ 16700 VND. Tùy thuộc vào mức tiêu xài của bạn, bạn có thể đổi dư một chút. Có 2 lí do cho điều này, thứ 1 ở Myanmar rất ít điểm rút tiền kể cả Yangon, thứ 2 sau này khi về lại Việt Nam bạn có thể đổi từ Kyats sang USD trở lại.

Bạn nên yêu cầu người ta đưa bạn tờ 5,000 kyats hoặc 10,000 kyats để không phải cầm nhiều. Tuy vậy bạn cũng nên có sẵn khoảng 20 tờ 1000 kyats để dễ tiêu xài.

       🍊Ghi chú: Bên trong thành phố Yangon cũng có rải rác các cây ATM và các dịch vụ đổi tiền, nhưng theo tôi thì tìm chúng khá mệt và mất thời gian. Bạn có thể hỏi quầy lễ tân của khách sạn bạn ở, thường họ sẽ biết chỗ nào đổi tiền cho bạn, hoặc có khi họ nhận đổi luôn. Nhưng tôi không khuyên bạn lựa chọn phương án này.

  • ĐIỀU THỨ HAI LÀ SIM ĐIỆN THOẠI MYANMAR

Sim điện thoại đã từng là ác mộng ở Myanmar bởi giá của nó luôn ở trên trời, để sở hữu một chiếc sim vì thế luôn là điều không tưởng. Rất may chuyện này đã là quá khứ, hiện tại bạn có thể mua sim điện thoại khá thoải mái khi du lịch đất nước chùa vàng.

Có 3 loại sim bạn lựa chọn là MTP, TELENOR, OOREDOO; FPT mới sang Myanmar khai phá lĩnh vực sim này. Nhìn chung các loại sim này đều có độ phủ sóng và 3G khá ổn nên mua loại nào cũng được nhé.

Vài Review nho nhỏ cho từng loại sim ở Myanmar.

  • MTP:
    • Thời hạn sử dụng: 10 ngày
    • Giá: 10,000 Kyat
    • Dung lượng: 1,5G data (3G) và 5,000 Kyat trong tài khoản
  • TELENOR:
    • Thời hạn sử dụng: 15 ngày
    • Giá: 15,000 Kyat
    • Dung lượng: 5G data (3G) và 50 phút gọi nội địa và 1,500 Kyat trong tài khoản
    • Miễn phí cuộc gọi đến và SMS đến
    • Cần gọi lần đầu để active sim
  • OOREDOO:
    • Thời hạn sử dụng: 90 ngày
    • Giá: 1,500 Kyat
    • Nạp tiền sẽ có thêm gói cước data
    • Ngoài ra bạn có thể đăng kí gói 3G theo tháng với giá 6,850 Kyat / 30 ngày / 1,35G Nếu bạn không cần phải dùng Sim hay 3G quá nhiều thì dùng Roaming cũng được nhé, không quá đắt. Nếu bạn muốn share wifi với bạn bè thì tốt nhất nên thuê cục phát wifi nhé. Hoặc mua tại Ooredoo cũng được.

Tôi mua sim Telenor để sử dụng cho 7 ngày ở Myanmar, có thể top-up bất cứ khi nào.

  • ĐIỀU THỨ BA CÁCH DI CHUYỂN VÀO TRUNG TÂM YANGON

Sân bay quốc tế Yangon cách trung tâm thành phố khoảng 16.5km.

  • Taxi:

Phương tiện di chuyển thông dụng nhất để vào trung tâm thành phố là taxi. Giá thông thường cho một xe 4 chỗ là 8000 kyats. Bạn có thể trả giá xuống 7000 – 7500 kyats tùy thích, nhưng nhớ hỏi xem xe có máy lạnh không vì thời tiết Yangon khá nóng.

Khi tới Yangon lần thứ 2, tôi phát hiện ra rằng tất cả các xe taxi đều có điều hoà, chỉ là tài xế có chịu bật cho bạn hay không thôi. Thông thường bạn sẽ cần trả thêm chi phí (khoảng 1000 kyats) để các anh ấy bật điều hoà nhé.

Gọi 1 chiếc taxi có giá khoảng 10,000 kyats – 12,000 kyats. Tuy nhiên công cuộc mặc cả sẽ hết sức vất vả vì phải trả giá từ khoảng 20,000 kyats.

  • Grab:

Ngoài taxi, Grab là phương tiện thứ 2 và cũng là phương tiện hợp lí cho nhiều người. Tôi đặt Grab từ sân bay về khách sạn hết khoảng 8,000 kyats.

  • Bus:

Hiện tại sân bay Yangon đã có xe bus đi vào trung tâm; tuyến bus này đi qua hầu như các điểm lớn tại Yangon. Nếu bạn muốn ngắm nhìn đường phố và thử phương tiện công cộng ở Yangon thì nên thử.

3. CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG BAY TỚI YANGON VÀ TRONG MYANMAR

Từ Việt Nam có khá nhiều hãng hàng không khác nhau bay tới Yangon vì vậy bạn có thể chọn lựa được hãng máy bay phù hợp cùng giá vé dễ thở (từ 1,600,000 / 2 chiều). Rất tiếc là giá vé này đã không còn nữa rồi, hiện tại do đường bay tới Myanmar bị cắt giảm nên giá vé đã tăng lên gấp đôi khoảng 4,000,000 VND / 2 chiều nếu bay từ Sài Gòn.

  • Các hãng hàng không sẽ hạ cánh ở Terminal 1: AirAsia, Bangkok Airways, China Southern, Cathay Pacific, Cathay Dragon, Malindo Air, Vietnam Airlines
  • Các hãng hàng không sẽ hạ cánh ở Terminal 2: Thai Airways, Jetstar Asia, Thai AirAsia, Thai Lion Air, Vietjet Air
  • Hãng hàng không trong Myanmar: Các địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch ở Myanmar khá xa nhau, bạn sẽ phải ngồi trên ô tô từ 8 – 12h đồng hồ để di chuyển. Vì vậy nếu muốn đi lại một cách thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất trong Myanmar bạn có thể tìm tới 3 hãng hàng không giá rẻ:
    • Air Bagan: http://www.airbagan.com/
    • Air Mandalay: http://www.airmandalay.com
    • Gmairlines: http://gmairlines.com/

        🍊Ghi chú: Bạn có thể đặt vé online trước, sau đó thanh toán tại phòng vé ở Yangon. Ngoài ra vì các hãng này khá nhỏ nên tần suất các chuyến bay trong ngày không nhiều (chỉ riêng mùa cao điểm có 2 chuyến sáng chiều), hãy chú ý lịch bay để có được vé tốt nhất nhé. Nói canh trước thì rẻ nhưng tôi vẫn thấy khá đắt, ngang vé từ Việt Nam sang Yangon. 

Nếu bạn có kinh phí thì nên đi máy bay vì khá nhanh và đỡ mất thời gian. Đi xe khách tuy rẻ nhưng đường đi vô cùng sóc sẽ khiến bạn khá mệt mỏi.

UPDATED 5/2019: 

Cuối cùng, sau bao lần vô duyên với Myanmar, sau bao câu chuyện nghe bạn kể, tôi đã đặt chân tới đất nước cổ kính này vào những ngày tháng 5/2019. Thay vì tới sân bay mua sim, tôi quyết định mua trước để giảm bớt các vấn đề phát sinh; giá tiền cũng ngang nhau và dung lượng cũng khá cao.

🍊Ghi chú: Địa chỉ mua Sim tin dùng của tôi Travelkit 

Ngoài sim ra, các vấn đề về đổi tiền, đặt grab khá thuận lợi khi tôi làm đúng theo hướng dẫn của bạn. Sân bay có khá nhiều Starbuck và Coffee Bean nên tôi vào tìm chút cafein trước khi chính thức trải nghiệm đất nước cổ xưa này.

Myanmar mùa này nóng nực hơn gấp bội so với những gì bạn tôi miêu tả. Bất chấp ví tiền mỏng lép, tôi quyết định trả tiền để anh tài xế grab đóng cửa mở điều hoà. Tôi lấy hết khả năng tiếng Anh cùng ngôn ngữ cơ thể để nài nỉ và mặc cả với anh. Cuối cùng mọi cố gắng của tôi tạm có tác dụng, anh ấy lấy tôi 500 Kyat gọi là lời chào thân thiện.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi cảm nhận được hơi mát của điều hoà phả vào người. Thật tình thì cũng chỉ tương đương quạt mà thôi nhưng trong không gian nóng nực như thế này thì có còn hơn không. Vẫn biết Myanmar những ngày này sẽ khó chịu nhưng không nghĩ mọi thứ sẽ ngộp tới mức này. Hoá ra cả tháng trời nóng nực ở Sài Gòn chưa là gì, chưa là gì cả.

Hành trình của tôi sẽ là 6 ngày 6 đêm tại Myanmar, di chuyển Yangon – Bagan – Mandalay. Ban đầu dự tính có cả Inle nữa nhưng tôi cho rằng chuyến đi sẽ chộp giật lắm và chẳng nhớ nổi điều gì nên lần này tôi tạm quên Inle.

Máy bay là phương tiện đầu tiên tôi nghĩ tới để tới Bagan và Mandalay, tuy nhiên khi nhìn mức giá tôi thực sự lè lưỡi vì quá đắt. Cuối cùng tôi quyết định sẽ đi xe bus trong toàn bộ chuyến đi này, hơi tốn thời gian một chút nhưng tiết kiệm được khá nhiều.

Lịch trình của tôi sẽ được cập nhật trong các bài tiếp theo nha!

Close
Bài viết mới nhất
Latest Travel Blog
Close

Hikerlust

Đi để muốn được về nhà

Close