Bảo hiểm thai sản và những điều mẹ nên biết

Bảo hiểm thai sản đã được Na chia sẻ nhanh trong bài viết Bầu lười chăm con | 4 điều cần chuẩn bị trước khi có em bé. Tuy nhiên, vẫn có một số mẹ bầu/chuẩn bị bầu chưa hiểu rõ và inbox hỏi thêm.

Chính vì vậy, hôm nay Na sẽ chia sẻ chi tiết hơn những thông tin bản thân tích luỹ được trong suốt thời gian chuẩn bị có em bé để các mẹ cùng rõ ha. Bài viết ngày hôm nay có tiêu đề: “Bảo hiểm thai sản và những điều mẹ nên biết”.

Tìm hiểu về các sản phẩm dành cho mẹ và bé tại mục “Mẹ Na Tin Dùng

1. Tại sao nên mua bảo hiểm thai sản?

Thật ra, mẹ Na đã đề cập nguyên nhân nên mua bảo hiểm thai sản trong bài viết trước. Nhưng có lẽ vẫn nên nhắc lại một chút để các mẹ nắm kĩ hơn.

Na nghĩ lí do lớn nhất thuyết phục bản thân và nhiều mẹ khác mua bảo hiểm thai sản là TIẾT KIỆM CHI PHÍ. Từ khi cấn bầu tới khi bé chào đời sẽ có rất nhiều khoản thăm khám buộc mẹ phải rút ví. Hãy làm 1 bài toán sơ bộ với Na để biết mức chi phí tạm tính như thế nào nha; bài toán này dựa trên chi phí Na đã và sẽ chi khi thăm khám, sinh em bé ở Bệnh viện Phụ sản Mekong:

  • Khám thai hàng tháng (bao gồm tiền thuốc, tiền khám, tiền siêu âm…): 1,500,000 VND / tháng => 6 lần khám: 1,500,000 * 6 = 9,000,000 VND
  • NIPT Test cho bé và xét nghiệm máu nước tiểu cho mẹ: 9,000,000 VND
  • Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cho mẹ và bé: 2,000,000 VND
  • Tổng kiểm tra 1 tháng trước sinh: 5,000,000 VND
  • Chi phí sinh em bé: Từ khoảng 20,000,000 VND (tuỳ sinh thường hay sinh mổ)

Sơ sơ, các mẹ sẽ tốn khoảng 50,000,000 VND / lần mang bầu. Nếu mẹ dự định sinh ở các bệnh viện quốc tế như Bệnh viện Hạnh Phúc, Bệnh viện Quốc tế City (CIH), Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) thì chi phí này sẽ còn cao hơn, lên tới khoảng 100,000,000 VND tới 150,000,000 VND.

Rõ ràng, chi phí thăm khám và sinh em bé không hề là khoản chi phí nhỏ. Mọi thứ sẽ đơn giản nếu gia đình ba mẹ có tài chính ổn định. Tuy nhiên, nếu tài chính ở mức vừa đủ thì Na khuyên các mẹ nên mua bảo hiểm thai sản để có một thai kì khoẻ mạnh, bớt đau đầu vì rách ví. Cụ thể, mẹ chỉ cần chi từ 2,000,000 VND tới 10,000,000 VND/năm nhưng có thể nhận về từ 8,000,000 VND tới 80,000,000 VND suốt quá trình thăm khám và sinh em bé (tuỳ vào loại bảo hiểm mẹ mua).

Ngoài lí do lớn nhất về tiết kiệm chi phí, mẹ bầu cũng có thêm các lợi ích khác khi mua bảo hiểm thai sản:

  • Được bảo lãnh viện phí trực tiếp (direct billing) tại những bệnh viện có liên kết với bảo hiểm. Danh sách các bệnh viện liên kết sẽ được phía bảo hiểm cung cấp cho mẹ trong quá trình tư vấn/mua BH. Mẹ sẽ không cần mang tiền mặt, chỉ cần đem theo thẻ bảo hiểm khi tới thăm khám, sinh em bé. Mọi thủ tục thanh toán giấy tờ sẽ được bệnh viện và bảo hiểm làm với nhau. Để biết bảo hiểm và bệnh viện có direct billing không, các mẹ hãy hỏi nhân viên tư vấn bảo hiểm nha.
  • Được chi trả viện phí ngay cả khi không có direct billing. Sau khi sinh bé, mẹ chỉ cần lấy đủ giấy tờ theo hướng dẫn, gửi lên công ty BH để được chi trả.
  • Được hưởng các quyền lợi bảo hiểm nếu có các biến chứng thai sản không may trong suốt quá trình mang thai. Chuyện các mẹ bầu bị tiền sản giật, thiếu máu, tiểu đường thai kỳ… không phải vấn đề quá xa lạ. Vì vậy, nếu mua bảo hiểm mẹ sẽ có một khoản dự phòng kha khá cho những trường hợp không may này.
  • Bảo hiểm thường liên kết với rất nhiều bệnh viện trên khắp cả nước nên mẹ có thể thoải mái chọn cho mình bệnh viện phù hợp mà không cần đi xa nơi sinh sống.

Lưu ý: Thẻ sức khoẻ BHTS chỉ CHI TRẢ THEO THỰC TẾ chứ không phải trên tổng giá trị gói. Ví dụ: Gói chi phí sinh của bảo hiểm tối đa là 50,000,000 VND, nhưng khi sinh bé mẹ chỉ trả 40,000,000 VND. Như vậy, bảo hiểm sẽ hoàn lại 40,000,000 VND cho mẹ sau khi nhận được đầy đủ giấy tờ (hoá đơn, giấy ra viện…) và các khoản chi phí sinh đều nằm trong quy định chi trả.

2. Khi nào nên mua bảo hiểm thai sản?

Mẹ bầu nên mua bảo hiểm thai sản tối thiểu 270 ngày trước khi sinh em bé và tối đa 2 năm (635 ngày) trước khi cấn bầu em bé vì các công ty bảo hiểm đều quy định thời gian chờ. Nếu mẹ có bầu trước khi hết thời gian chờ thì bảo hiểm sẽ không có hiệu lực hoặc chỉ hiệu lực thanh toán chi phí 1 phần, tuỳ vào loại bảo hiểm mẹ mua.

Nếu đọc tới đây mẹ vẫn thấy khó hiểu thì để Na lấy 2 ví dụ:

Ví dụ 1: Đối với bảo hiểm có thời gian chờ 270 ngày (270 ngày chờ sinh ~ mẹ cần mua bảo hiểm ít nhất 270 ngày trước sinh)

  • Ngày 01/01/2021 mẹ ký HĐ bảo hiểm với công ty bảo hiểm Aviva. Thời gian chờ được Aviva áp dụng là 270 ngày. Như vậy, thời gian chờ của mẹ trước khi cấn bầu sẽ kéo dài từ ngày: 01/01/2021 tới hết ngày 27/09/2021.
  • Nếu mẹ bầu sinh bé trong khoảng thời gian chờ (01/01/2021 – 27/09/2021) sẽ KHÔNG ĐƯỢC CHI TRẢ BẢO HIỂM (bao gồm cả chi phí khám và chi phí sinh) vì vẫn trong khoảng thời gian chờ.
  • Nếu mẹ sinh bé từ ngày 28/09/2021 trở đi SẼ ĐƯỢC CHI TRẢ chi phí sinh.

Ví dụ 1: Đối với bảo hiểm có thời gian chờ 635 ngày (gồm 270 ngày chờ sinh + 365 ngày chờ cấn bầu ~ mẹ cần mua bảo hiểm ít nhất 635 ngày trước khi cấn bầu)

  • Ngày 01/01/2021 mẹ ký HĐ bảo hiểm với công ty bảo hiểm Cathay. Thời gian chờ được Cathay áp dụng là 635 ngày. Như vậy, thời gian chờ của mẹ như sau:
    • Thời gian chờ cấn bầu (365 ngày): 01/01/2021 tới hết ngày 01/01/2022.
    • Thời gian chờ sinh (270 ngày): 01/01/2022 tới hết ngày 27/09/2022.
  • Nếu mẹ bầu sinh bé trong khoảng thời gian chờ (01/01/2021 – 27/09/2022) sẽ KHÔNG ĐƯỢC CHI TRẢ BẢO HIỂM (bao gồm cả chi phí khám và chi phí sinh) vì vẫn trong khoảng thời gian chờ.
  • Nếu mẹ cấn bầu sinh bé từ 28/09/2022 trở đi SẼ ĐƯỢC CHI TRẢ chi phí thăm khám và chi phí sinh.

Có thể thấy, 2 năm trước khi cấn bầu là thời gian tốt nhất để đầu tư gói bảo hiểm thai sản vì sẽ chi trả toàn bộ chi phí từ thăm khám tới sinh cho mẹ. Nhưng nếu mẹ không kịp mua thì gói 270 ngày trước sinh cũng khá tuyệt nha.

Còn nếu, mẹ đã cấn bầu bé rồi thì nên cân nhắc và nhận tư vấn kỹ càng trước khi mua. Vì nhìn chung tỉ lệ được hưởng quyền lợi thai sản của mẹ rất thấp.

LƯU Ý: Tên công ty BH và gói bảo hiểm chỉ là ví dụ nha các mẹ.

3. Cách mua bảo hiểm thai sản tại Việt Nam

Ở Việt Nam có 3 cách mua bảo hiểm thai sản nha các mẹ:

  • Cách 1 – Đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH): Khi đi làm và có hợp đồng chính thức, công ty sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho mẹ; phần BHXH này bao gồm BHTS. Nếu mẹ kinh doanh tự do thì có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện. Dù đóng theo cách nào (theo công ty hay tự nguyện), chỉ cần mẹ đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên sẽ được hưởng 1 khoản tiền tương đương 6 tháng lương đóng BHXH gần nhất khi sinh em bé. Đây chính là trợ cấp thai sản sau sinh.
  • Cách 2 – Mua bảo hiểm sức khoẻ có quyền lợi thai sản (BHSK): Ngoài BHXH, một số công ty sẽ mua thêm bảo hiểm sức khoẻ (thẻ sức khoẻ) cho nhân viên, tất nhiên là mẹ bầu cũng được hưởng quyền lợi này. Nếu không đi làm mẹ bầu cũng có thể tự mua thẻ sức khoẻ tại các công ty bảo hiểm sức khoẻ như Eroscare, PVI,…Tuỳ vào gói bảo hiểm, mẹ sẽ nhận được các hạn mức quyền lợi khác nhau, trung bình khoảng 40,000,000 VND tới 80,000,000 VND. Lưu ý nhỏ: Mua thẻ sức khoẻ theo công ty sẽ có ưu đãi hơn về giá nên các mẹ có thể cân nhắc đi làm trước khi mang thai nha.
  • Cách 3 – Mua Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) kèm quyền lợi BHSK: Đa phần các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam sẽ cung cấp thêm quyền lợi bổ trợ là thẻ sức khoẻ cho người mua bảo hiểm nhân thọ. Quyền lợi của thẻ sức khoẻ đi kèm này bao gồm quyền lợi nội trú, ngoại trú, cấp cứu, tai nạn… Mẹ có thể trao đổi kĩ hơn với nhân viên tư vấn để chọn cho mình gói phù hợp.

Vậy thì, các mẹ nên đóng/mua bảo hiểm thai sản theo cách nào đây khi cả 3 cách đều tốt? Theo kinh nghiệm của mẹ Na, các mẹ có thể mua theo các phương án sau để tối ưu ngân sách do BHSK chỉ chi trả chi phí 1 lần:

  • PA1: Đóng BHXH và mua BHSK
  • PA2: Đóng BHXH và mua BHNT kèm quyền lợi BHSK
  • PA3: Đóng BHXH, mua BHSK và mua BHNT không kèm quyền lợi BHSK => Mẹ Na đang theo phương án này do BHXH và BHSK đã được công ty mua, Na mua thêm BHNT để cover được nhiều bệnh/nguy cơ hơn. Quan trọng, BHNT có thể rút sau 10 tới 20 năm đóng phí.

Tuỳ vào mục đích và kế hoạch, mẹ có thể chọn cho mình phương án và công ty bảo hiểm phù hợp nha. Mục 4 Na sẽ chia sẻ kĩ hơn về các công ty bán BHSK và BHNT kèm BHSK nha.

4. Lựa chọn công ty bảo hiểm tại Việt Nam

4.1. Mua BHSK tại các công ty bảo hiểm sức khoẻ nổi bật tại Việt Nam:
  • Bảo hiểm thai sản Bảo Việt Tâm An: Sinh bé sau 365 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 365 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 30,000,000 VND/năm, chi phí bảo hiểm 4,000,000 VND tới 6,000,000 VND/năm.
  • Bảo hiểm thai sản PJICO: Sinh bé sau 270 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 270 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 30,000,000 VND/năm, chi phí bảo hiểm 2,000,000 VND tới 10,000,000 VND/năm.
  • Bảo hiểm thai sản PVI: Sinh bé sau 270 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 270 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 20,000,000 VND/năm ,hi phí bảo hiểm 2,000,000 VND tới 4,000,000 VND/năm.
  • Bảo hiểm thai sản Vietinbank – VBI: Sinh bé sau 270 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 270 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 64,000,000 VND/năm, chi phí bảo hiểm 1,000,000 VND tới khoảng 10,000,000 VND/năm. Đối với VBI, các mẹ bắt buộc phải mua quyền lợi chính (nội trú, tai nạn, TTTBVV, Tử vong) thì mới được mua ghép bảo hiểm thai sản.
  • Bảo hiểm thai sản Eroscare: Sinh bé sau 300 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 300 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 35,000,000 VND/năm, chi phí bảo hiểm 4,000,000 VND tới khoảng 14,000,000 VND/năm.
  • Bảo hiểm thai sản BIC – Tâm An: Sinh bé sau 365 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm đối với sinh thường ~ thời gian chờ 365 ngày hoặc sinh bé sau 280 ngày với biến chứng thai sản ~ 280 ngày chờ. Mức hưởng quyền lợi tối đa 31,500,000 VND/năm, không bao gồm chi phí khám thai định; chi phí bảo hiểm 3,000,000 VND tới 13,000,000 VND/năm.
  • Bảo hiểm thai sản Liberty: Sinh bé sau 365 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 365 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 40,000,000 VND, chi phí bảo hiểm 4,000,000 VND tới 6,000,000 VND/năm.
  • Bảo hiểm thai sản PrevoirSinh bé sau 280 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm ~ thời gian chờ 280 ngày. Mức hưởng quyền lợi tối đa 73,000,000 VND đối với sinh mổ và 42,000,000 VND đối với sinh thường. Chi phí bảo hiểm 4,000,000 VND tới 7,000,000 VND/năm.

Lưu ý: Thông thường, BHSK sẽ bán khá đắt khi mua lẻ nên mẹ Na highly recommend các mẹ mua kèm với BHNT để giảm thiểu chi chí. Mình đọc tiếp phần 4.2 về BHNT nha.

4.2. Mua BHNT kèm BHSK Nếu lựa chọn Quyền lợi thai sản đi kèm bảo hiểm nhân thọ:
  • Bảo hiểm nhân thọ Cathay
  • Bảo hiểm nhân thọ Aviva
  • Bảo hiểm nhân thọ Manulife – Sống khoẻ mỗi ngày: Chi trả đến 50,000,000 VND/năm nếu sinh thường và 100,000,000 VND/năm nếu sinh mổ hoặc gặp biến chứng thai sản.
  • Bảo hiểm nhân thọ AIA: Chi trả đến 20,000,00 VND/năm đối với các dịch vụ khám thai, sinh thường, sinh mổ
  • Bảo hiểm nhân thọ Generali

Để biết chi tiết về các gói thai sản và yêu cầu của các công ty bảo hiểm, Na khuyên các mẹ nên gọi tới hotline để được tư vấn nha. Mọi thông tin ở trên chỉ mang tính chất tham khảo chung.

Nếu các mẹ muốn mua BHNT kèm BHSK có thể liên hệ: Ms. Dung – Cathay: 0942428298 hoặc Ms. Chinh – Aviva: 0344347158.

5. Cách lấy quyền lợi thai sản

Nhìn chung, các mẹ sẽ cần điền 1 form Claim quyền lợi thai sản sau đó gửi tới nhân sự công ty đang làm việc hoặc gửi thẳng tới công ty bảo hiểm. Thực tế như thế nào các mẹ cần hỏi kĩ hơn bên bán bảo hiểm nha vì mỗi loại mỗi khác, Na không chia sẻ hơn được rồi nè.

Hi vọng sau chia sẻ này, mẹ đã chọn được cho mình gói bảo hiểm phù hợp, chuẩn bị cho một thai kì khoẻ mạnh và bớt đau ví.

Tìm hiểu về các sản phẩm dành cho mẹ và bé tại mục “Mẹ Na Tin Dùng

Hi, I’m Na. A young, wild & free woman. A wife & a mother of Bơ & Tép


Close
Bài viết mới nhất
Latest Travel Blog
Close

Hikerlust

Đi để muốn được về nhà

Close