Nên hay không nên lưu trữ tế bào gốc (cord blood banking) cho em bé Tép là vấn đề ba mẹ lăn tăn từ những ngày đầu tiên biết tới sự tồn tại của ẻm.
Dù đã biết tới dịch vụ này từ lâu nhưng chỉ tới khi cấn bầu mẹ Na mới thực sự tìm hiểu kĩ. Ngoài việc hỏi han bạn bè xung quanh, những người đã lưu trữ tế bào gốc cho con cái, liên hệ trực tiếp với các trung tâm/ngân hàng lưu trữ để nhận tư vấn, mẹ em bé Tép cũng đọc thêm các nguồn thông tin cần thiết để cân nhắc.
Vậy có nên mua gói lưu trữ tế bào gốc cho em bé hay không? Mẹ Na sẽ đưa ra đánh giá để các mẹ dễ dàng cân nhắc nha!
Có thể mẹ quan tâm:
- Trải nghiệm đi tiêm vaccine AstraZeneca
- Mẹ bầu có thể tiêm vaccine covid-19 ở đâu?
- Bảo hiểm thai sản và những điều mẹ nên biết
- 4 điều cần chuẩn bị trước khi có em bé
- Lần đầu làm mẹ nên chuẩn bị những gì?
- Review kem trị rạn StretcHeal và Bio-Oil
- Các tuần khám thai quan trọng mẹ bầu nên biết
- Giúp mẹ bầu phân biệt các loại test sàng lọc trước sinh
- Review sữa bầu Morinaga và sữa bầu Maeil
- Danh sách đồ mẹ bầu cần chuẩn bị trước khi đi sinh
- Các shop bán đồ em bé uy tín mẹ Na tin dùng
- Review: Mẹ bầu nên bổ sung vitamin và khoáng chất gì?
Trước khi phân tích sâu hơn để giúp các mẹ đưa ra quyết định, mẹ Na sẽ giải thích 1 số thông tin để các mẹ bầu chưa biết hoặc biết sơ sơ về lưu trữ tế bào gốc nắm rõ hơn nha. Để giải thích, mẹ Na sẽ trả lời một số câu hỏi sau:
1. Thông tin cơ bản về lưu trữ tế bào gốc
Lưu trữ tế bào gốc là lưu trữ phần tế bào được lấy từ máu cuống rốn hoặc mô cuống rốn của em bé sau khi được sinh ra. Phần tế bào này sẽ được đem tới các ngân hàng lưu trữ tế bào gốc để nuôi dưỡng. Trong trường hợp, em bé hoặc anh chị hoặc ba mẹ có vấn đề về sức khoẻ có thể đem tế bào gốc này ra sử dụng. Theo nghiên cứu, tế bào gốc máu này có thể giúp phục hồi các tế bào đã mất trong quá trình hoá trị ung thư cũng như “bồi đắp” hệ miễn dịch của người bệnh.
Để lưu trữ tế bào gốc, ba mẹ có thể lựa chọn lưu trữ một trong những hình thức bên dưới.
- Máu cuống rốn (HSC):
- Máu cuống rốn được lấy từ cuống rốn (tất nhiên :D) để lưu trữ. Đây là gói lưu trữ cơ bản nhất và phổ biến nhất, được nhiều ba mẹ chọn lựa.
- Máu cuống rốn có thể được ứng dụng để chữa các bệnh về máu và suy giảm hệ miễn dịch như bệnh bạch cầu, hồng cầu, các nhóm bệnh về máu, các nhóm bệnh ung thư máu…
- Độ sống của tế bào máu cuống rốn khi lưu trữ sẽ đạt > 80%
- Thời gian lưu trữ tốt nhất: 30 năm đầu tiên sau khi cắt cuống rốn. Sau khoảng thời gian này độ sống của tế bào sẽ bị giảm xuống dù bảo quản ở điều kiện tốt như thế nào, điều này giải thích tại sao các ngân hàng lưu trữ thường giảm giá hoặc miễn phí 20 năm hoặc 30 năm lưu trữ tiếp theo.
- Trung mô (MSC):
- Lấy từ mô cuống rốn để lưu trữ
- Trung mô được ứng dụng để chữa các bệnh về thoái hoá thể chất như tiểu đường, các nhóm bệnh về gan thận, thoái hoá xương khớp, tai biến mạch máu não…
- Độ sống của tế bào mô cuống rốn khi lưu trữ sẽ đạt > 80%
- Thời gian lưu trữ và ứng dụng tốt nhất: 20 năm đầu sau khi lấy tế bào từ mô cuống rốn. Sau khoảng thời gian này độ sống của tế bào sẽ bị giảm xuống dù bảo quản ở điều kiện tốt như thế nào, điều này giải thích tại sao các ngân hàng lưu trữ thường giảm giá hoặc miễn phí 20 năm hoặc 30 năm lưu trữ tiếp theo.
- Biểu mô (EpSC):
- Lấy từ mô cuống rốn, tương tự trung mô
- Biểu mô được ứng dụng để chữa các bệnh về biểu bì như vết thương trên da, thoái hoá thần kinh, thoái hoá điểm vàng…
- Độ sống của tế bào mô cuống rốn khi lưu trữ sẽ đạt > 80%
- Thời gian lưu trữ và ứng dụng tốt nhất: 20 năm đầu sau khi lấy tế bào từ mô cuống rốn. Sau khoảng thời gian này độ sống của tế bào sẽ bị giảm xuống dù bảo quản ở điều kiện tốt như thế nào, điều này giải thích tại sao các ngân hàng lưu trữ thường giảm giá hoặc miễn phí 20 năm hoặc 30 năm lưu trữ tiếp theo.
- Màng bánh nhau:
- Lưu trữ tế bào được lấy từ màng bánh nhau
- Được ứng dụng để chữa các bệnh về thần kinh, não như Parkinson, chứng phình động mạch não, đột quỵ…
- Độ sống của tế bào mô cuống rốn khi lưu trữ sẽ đạt > 80%
- Thời gian lưu trữ và ứng dụng tốt nhất: 20 năm đầu sau khi lấy tế bào từ màng bánh sau. Sau khoảng thời gian này độ sống của tế bào sẽ bị giảm xuống dù bảo quản ở điều kiện tốt như thế nào, điều này giải thích tại sao các ngân hàng lưu trữ thường giảm giá hoặc miễn phí 20 năm hoặc 30 năm lưu trữ tiếp theo.
MUA NGAY CÁC SẢN PHẨM DÀNH CHO MẸ VÀ BÉ
Tóm tắt nhẹ cho các mẹ dễ hình dung
Máu cuống rốn (HSC) | Trung mô (MSC) | Biểu mô (EpSC) | Màng bánh nhau | |
Nguồn lấy | Từ cuống rốn | Từ mô cuống rốn | Từ mô cuống rốn | Amnion (màng bánh nhau) |
Chữa các bệnh | Về máu và suy giảm miễn dịch | Về thoái hoá thể chất | Về vấn đề biểu bì | Về thần kinh não |
Danh sách bệnh tiêu biểuu | – Bệnh bạch cầu, hồng cầu – U lym phô, suy tuỷ xương – Thiếu máu Cooley – Tan máu bẩm sinh Thalassemia – Tự kỷ, bại não, ung thư não – Các nhóm bệnh ung thư | – Các nhóm bệnh về gan, thận – Tiểu đường – Tai biến mạch máu não – Nhồi máu cơ tim – Thoái hoá xương khớp | – Rối loạn bề mặt nhãn cầu – Thoái hoá thần kinh – Thoái hoá điểm vàng – Vết thương trên da | – Parkinson – Đột quỵ – Chứng phình động mạch não – Động kinh – Đau đầu kinh niên |
Thời gian lưu trữ và ứng dụng tốt nhất | 30 năm | 20 năm | 20 năm | 20 năm |
Độ sống của tế bào khi bắt đầu lưu trữ | > 80% | > 80% | > 80% | > 80% |
Thông thường, tuỳ vào điều kiện kinh tế cũng như sự cân nhắc từ phía gia đình, ba mẹ sẽ chọn 1 trong các gói lưu trữ như sau:
- PA1: Lưu trữ duy nhất máu cuống rốn (HSC)
- PA2: Lưu trữ máu cuống rốn (HSC), trung mô (MSC) và biểu mô (EpSC)
- PA3: Lưu trữ máu cuống rốn (HSC), trung mô (MSC), biểu mô (EpSC) và màng bánh nhau
2. Ba mẹ có thể mua gói lưu trữ tế bào gốc ở đâu?
Tại Việt Nam, ba mẹ có khá nhiều lựa chọn để lưu trữ tế bào gốc cho con. Mẹ Na làm 1 bảng tổng hợp các trung tâm/ngân hàng lưu trữ TBG như bên dưới để các mẹ dễ so sánh và đánh giá nha.
Lưu ý:
- Các mẹ lưu ý mức giá chỉ mang tính chất tham khảo, để biết rõ về dịch vụ từng bên các mẹ nên gọi điện lên tổng đài để hỏi.
- Trước khi lưu trữ các mẹ sẽ cần phải xét nghiệm theo yêu cầu của các trung tâm/ngân hàng lưu trữ này để đánh giá bệnh trạng nếu có
- Các mẹ cần báo cho trung tâm/ngân hàng lưu trữ khoảng 2 tuần trước khi sinh để làm giấy tờ thủ tục
2.1. Cryoviva
CRYOVIVA | |
Địa điểm lưu trữ | Thái Lan & Singapore |
Bệnh viện liên kết | Hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam trừ các bệnh viện: Mỹ Đức, An Sinh, Phụ sản Quốc tế SG (Bùi Thị Xuân Q1) – SIH |
Chứng chỉ | AABB và US FDA (các chuẩn về lưu giữ tế bào gốc) |
Mức chi phí | Từ 4,900 USD |
Điểm nổi bật | – Cho trả góp trong thời gian 3 tháng tới 12 tháng (Mức lãi suất tuỳ thuộc ngân hàng) – Có thể lưu trữ cả 4 loại TBG máu, TBG trung mô, TBG biểu mô, và màng bánh nhau – Nhiều gói lựa chọn lưu trữ (20 năm, 30 năm, 65 năm, trọn đời) – Có gói bảo hiểm đền bù lên tới 100,000 USD – Trường hợp em bé bị ốm cần cấy ghép nhưng không đủ số lượng TBG, Cryoviva sẽ trợ tìm và cung cấp MIỄN PHÍ mẫu máu cuống rốn tương đồng với em bé trong ngân hàng liên kết – Có mối quan hệ tốt với các bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ nhi tại các bệnh viện liên kết; có thể giới thiệu cho ba mẹ – Nhân viên tư vấn nhiệt tình, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan |
2.2. Medeze
MEDEZE | |
Địa điểm lưu trữ | Thái Lan |
Bệnh viện liên kết | Hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam trừ các bệnh viện: Mỹ Đức, An Sinh, CIH |
Chứng chỉ | EUBB, AABB, ISO và ISCT (các chuẩn về lưu giữ tế bào gốc) |
Mức chi phí | Từ 4,700 USD |
Điểm nổi bật | – Có thể lưu trữ cả 3 loại TBG máu, TBG trung mô và TBG biểu mô – Lưu trữ trọn đời với tất cả các gói (30 năm trả phí + 30 năm gia hạn miễn phí) – Nhân viên cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan – Tách sẵn 20 triệu tế bào trong quá trình lưu trữ, giúp sẵn sàng sử dụng khi cần – Cam kết chất lượng của TBG trong vòng 30 năm, đền bù gấp 4 lần nếu phát sinh sự cố |
2.3. Cordlife
CORDLIFE | |
Địa điểm lưu trữ | Singapore |
Bệnh viện liên kết | Từ Dũ, Hạnh Phúc, AIH, FV tại Hồ Chí Minh |
Chứng chỉ | AABB (chuẩn về lưu giữ tế bào gốc) |
Mức chi phí | Từ 4,300 USD |
Điểm nổi bật | – Ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn lâu đời nhất Châu Á (từ năm 2001) – Sở hữu công nghệ tiên tiến Sepax®2 – Có thể lưu trữ cả 3 loại TBG máu, TBG trung mô và TBG biểu mô – Lưu trữ theo gói 25 năm và 60 năm – Nhân viên cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan – Bảo trợ y tế lên tới 50,000 SGD – Cho thanh toán 2 lần, mỗi lần 50% mức tổng chi phí – Mức giá được áp dụng khác nhau đối với thai đơn và thai đôi |
2.4. Vivacell
VIVACELL | |
Địa điểm lưu trữ | Thái Lan |
Bệnh viện liên kết | Hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam trừ các bệnh viện: Mỹ Đức, An Sinh, CIH |
Chứng chỉ | AABB và US FDA (các chuẩn về lưu giữ tế bào gốc) |
Mức chi phí | Từ khoảng 5,000 USD |
Điểm nổi bật | – Có thể lưu trữ cả 3 loại TBG máu, TBG trung mô và TBG biểu mô – Có thể thanh toán 50/50 hoặc thanh toán trả góp với thời hạn tối đa 15 tháng – Hai gói lưu trữ 20 năm và 60 năm – Nhân viên cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan |
2.5. Vinmec
VINMEC | |
Địa điểm lưu trữ | Việt Nam |
Bệnh viện liên kết | Vinmec |
Chứng chỉ | AABB (chuẩn về lưu giữ tế bào gốc) |
Mức chi phí | Từ khoảng 5,000 USD (đối với gói 25 năm) |
Điểm nổi bật | – Có thể lưu trữ cả 3 loại TBG máu, TBG trung mô và TBG biểu mô – Có thể thanh toán 50/50 – Có nhiều gói khác nhau: 1 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 25 năm – Nhân viên cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan – Bảo mật tối đa với hệ thông an ninh cao – Chỉ áp dụng cho sản phụ sinh tại bệnh viện Vinmec |
2.6. Viện truyền máu huyết máu
Viện truyền máu huyết học | |
Địa điểm lưu trữ | Việt Nam |
Bệnh viện liên kết | Các bệnh viện công tại HCM và HN |
Chứng chỉ | N/A |
Mức chi phí | Khoảng 3,000 USD (đối với gói 18 năm) |
Điểm nổi bật | – Lưu trữ duy nhất TBG máu – Có thể thanh toán 50/50 – Có nhiều gói khác nhau: 1 năm, 5 năm, 10 năm, 18 năm |
2.7. Mekostem
Mekostem | |
Địa điểm lưu trữ | Việt Nam |
Bệnh viện liên kết | Các bệnh viện công tại HCM và HN |
Chứng chỉ | AABB (chuẩn về lưu giữ tế bào gốc) |
Mức chi phí | N/A |
Điểm nổi bật | – Có thể lưu trữ cả 3 loại TBG máu, TBG trung mô và TBG biểu mô – Có nhiều gói khác nhau – Thành viên chính thức của Hiệp hội ngân hàng tế bào máu cuống rốn Châu Á Thái Bình Dương (APCBBC) |
3. Tại sao ba mẹ nên lưu trữ tế bào gốc cho con?
Một từ “An tâm” thôi nè. Mẹ Na nghĩ không có ngôn từ nào chuẩn hơn, xúc tích hơn, ngắn gọn hơn và đầy đủ hơn để miêu tả lí do “Tại sao nên mua gói tế bào gốc cho con” bằng từ “AN TÂM“. Nhìn đi nhìn lại, các mẹ sẽ thấy một số lợi ích để đem lại sự yên tâm như sau:
- Ứng dụng chữa hơn 80 bệnh: Khi mua gói lưu trữ TBG, ba mẹ sẽ có thêm cơ hội chữa trị cho con trong trường hợp bản thân bé hoặc anh chị em bị bệnh. Hiện tại, ứng dụng TBG có thể chữa trị hơn 80 bệnh khác nhau.
- Cả gia đình đều dùng được: Có thể sử dụng cho anh/chị/em & bố mẹ trong trường hợp cần cấy ghép
- Bảo hiểm sinh học: Các ba mẹ chỉ có cơ hội lưu trữ TBG 1 lần duy nhất trong đời cho con. Vì vậy, mua gói lưu trữ TBG giống như mua 1 gói bảo hiểm sức khoẻ trọn đời cho em bé. Khi có bất cứ vấn đề gì về sức khoẻ xảy ra, ba mẹ sẽ có phương án chữa trị cho em bé.
- Luôn sẵn có: Vì đây là TBG của chính em bé nên khi cần có thể sử dụng ngay tắp lự, nhanh chóng tức thì. Ba mẹ không cần phải chờ đợi người hiến phù hợp hay tế bào hiến phù hợp nữa.
4. Trường hợp nào ba mẹ không nên lưu trữ tế bào gốc?
Lưu trữ tế bào gốc cho con là điều cha mẹ nào cũng muốn làm cho an tâm và khi có điều kiện. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp ba mẹ không nên hoặc phải cân nhắc trước khi lưu trữ.
- Nghi ngờ em bé có bệnh lý bẩm sinh liên quán tới tế bào gốc tạo máu trong quá trình xét nghiệm trước sinh: Không nên lưu trữ vì khả năng sử dụng về sau gần như bằng 0. Nói một cách dễ hiểu, TBG của bé đã có mầm bệnh thì dù có sử dụng như thế nào mầm bệnh vẫn còn, không thể dùng cho em bé được nữa. Một số bệnh có thể kể tới như bẹnh tan máu bầm, hội chứng Down, rối loạn gen/NST
- Mẹ bầu có dấu hiệu nhiễm trùng trong quá trình sinh nở như dịch ối đục, lẫn phân su, suy thai…: Không nên lưu trữ vì lúc này máu dây rốn có khả năng bị nhiễm khuẩn. Tương tự lí do trên, khi đã nhiễm khuẩn TBG máu sẽ không sử dụng để chữa trị được nữa.
- Bé có dị tật về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh (nói chung không liên quan tới di truyền): Cân nhắc lưu trữ tuy nhiên cần hỏi tư vấn và chỉ định chuyên môn từ bác sĩ
- Em bé có gen thalassemia (gen bệnh tan máu bẩm sinh) nhưng không bị bệnh: Cân nhắc lưu trữ nếu bé có 1 gen lặn và 1 gen bình thường. Cần tư vấn từ bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.
5. Mẹ Na có lựa chọn lưu trữ tế bào gốc cho em bé Tép không?
Sau phần 1, phần 2, phần 3 và phần 4 mẹ Na tin các mẹ đã có cái nhìn sơ bộ về lưu trữ TBG cũng như các trung tâm lưu trữ uy tín tại Việt Nam. Vậy mẹ Na thì sao? Mẹ Na có lưu trữ TBG cho em bé Tép hay không?
Như đã chia sẻ từ đầu, mẹ Na tìm hiểu khá kĩ về vấn đề lưu trữ TBG, phần vì muốn an tâm, phần vì lo cho em bé Tép sắp chào đời. Sau khi cân nhắc, mẹ Na quyết định không mua gói lưu trữ tế bào gốc, thay vào đó sẽ mua bảo hiểm sức khoẻ + bảo hiểm nhân thọ cho con. Và đây là những lí do của mẹ Na:
- Thời gian lưu trữ và sử dụng TBG hiệu quả chỉ khoảng 20-30 năm đầu đời, tuỳ vào loại TBG. Những năm sau đó hiệu quả của TBG không còn cao như trước
- TBG sử dụng tốt nhất cho anh/chị/em của em bé hơn là bản thân em bé
- TBG khó có thể sử dụng cho em bé trong TH gen của bé bị lỗi (mang mầm bệnh) từ đầu (phần 4 mẹ Na có giải thích)
- TBG khó có thể sử dụng cho ba mẹ vì số lượng tế bào cần thiết cho người lớn nhiều hơn rất nhiều với số lượng TBG lưu trữ từ cuống rốn của con
- Việc mua BHSK + BHNT cũng khiến mẹ yên tâm an tâm như mua gói TBG
Đây chỉ là cân nhắc và quyết định của ba mẹ bé Tép dành cho em dựa trên những đánh giá cá nhân. Nếu các ba mẹ thấy việc lưu trữ cho con là cần thiết và an tâm thì vẫn nên tiến hành mua nha. Không gì bằng sự an toàn và khoẻ mạnh của con mà ha!
6. Một số bài viết về lưu trữ TBG mẹ Na đã đọc, các mẹ có thể tham khảo
- https://www.parents.com/pregnancy/my-baby/cord-blood-banking/is-cord-blood-banking-worth-it/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6352006/
- https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/zx1634
- https://www.health.harvard.edu/blog/why-parents-should-save-their-babys-cord-blood-and-give-it-away-201710312518
- https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=cord-blood-banking-160-48
- https://parentsguidecordblood.org/en/news/how-long-can-cord-blood-be-stored
- https://www.pregnancybirthbaby.org.au/amp/article/cord-blood-banking
- https://kidshealth.org/en/parents/cord-blood.html
- https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/first-year-of-life/cord-blood-banking/